Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Tài chính bền vững châu Á (SFIA).

Hội nghị ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ giữa ACMF, Ủy ban Phát triển thị trường vốn ASEAN (WC-CMD), Ủy ban cấp cao ASEAN về ngân hàng (SLC), Hội nghị các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) trong việc xây dựng Hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy) thông qua Hội đồng hệ thống phân loại tài chính bền vững (ASEAN Taxonomy Board), với kế hoạch công bố một dấu mốc quan trọng bên lề Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Hội nghị cũng ghi nhận những tiến triển mới cũng như thông qua một số kế hoạch nhằm thực hiện các sáng kiến xuyên suốt giữa lộ trình của ACMF và báo cáo của WC-CMD về thúc đẩy tài chính bền vững ở ASEAN, bao gồm: tăng cường công bố thông tin phát triển bền vững của doanh nghiệp; nghiên cứu các tiêu chuẩn chuyển đổi, xây dựng Tiêu chuẩn Quỹ đầu tư bền vững và có trách nhiệm cho ASEAN; đẩy mạnh vận động và hợp tác đa phương, phối hợp với khu vực công và ngành tài chính.

Về công bố thông tin phát triển bền vững doanh nghiệp, hội nghị đã thảo luận thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo khí hậu theo các khuyến nghị của Nhóm công tác về Công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD). Hội nghị cũng hoan nghênh chương trình công tác của Tổ chức Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Foundation), nhằm xây dựng các chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững cơ sở cho toàn cầu và thảo luận về tính khả thi trong việc áp dụng các chuẩn mực này khi xem xét các quy định trong nước của từng nước thành viên, nhằm thúc đẩy công bố thông tin phát triển bền vững một cách thống nhất và có thể so sánh được trong khu vực ASEAN.

Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN hướng tới bền vững và kết nối
Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN hướng tới bền vững và kết nối

Trong nỗ lực thúc đẩy các lớp tài sản ASEAN và tăng cường sự hiện diện của thị trường vốn khu vực đối với cộng đồng đầu tư quốc tế, hội nghị đã ghi nhận các bước tiến mới trong việc triển khai các sáng kiến ACMF.

Cụ thể, hội nghị chúc mừng sự gia nhập thành công của Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch Philippines (SEC Philippines) vào Khung Chào bán qua biên giới chứng chỉ quỹ đầu tư tập thể ASEAN (ASEAN CIS) vào 11/5/2021. Sự tham gia của SEC Philippines đã đánh dấu một bước tiến tích cực trong nỗ lực hội nhập thị trường vốn khu vực và làm phong phú nguồn quỹ cho đầu tư trong ASEAN. Bên cạnh đó, hội nghị cũng hoan nghênh việc công bố Hướng dẫn báo cáo quốc gia Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) nhằm tăng cường hiểu biết của công chúng về Sáng kiến Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN cũng như tiếp cận thông tin về các công ty niêm yết hàng đầu của các nước tham gia sáng kiến.

Hội nghị đã ghi nhận các nỗ lực và bước tiến tích cực của Nhóm Công tác phát triển thị trường vốn ACMF (AMDP), do UBCKNN và Cơ quan Quản lý chứng khoán và giao dịch Campuchia (SERC) đồng chủ trì, trong công tác xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến cho các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN, trong bối cảnh các hình thức xây dựng năng lực truyền thống của ACMF như biệt phái, học tập trải nghiệm (study tours) không thể thực hiện do tác động của dịch Covid-19.

Tại hội nghị, theo cơ chế luân phiên, Cơ quan Quản lý chứng khoán và giao dịch Campuchia đã nhận bàn giao vai trò Chủ tịch ACMF năm 2022 từ Ngân hàng Trung ương Bru-nây Đa-rút-xa-lam (Chủ tịch đương nhiệm ACMF năm 2021). Cơ quan Dịch vụ Tài chính In-đô-nê-xi-a (OJK) giữ vai trò Phó Chủ tịch ACMF năm 2022./.