Ống thép bị cáo buộc đã phá giá từ 103% đến gần 112%. Ảnh: ĐT

Gia tăng các vụ kiện

Sau các vụ kiện ống thép hàn, mắc áo thép và ống thép không gỉ, thì ống thép vừa bị Mỹ cáo buộc đã phá giá từ 103% đến gần 112%.

"Hiệp hội Thép Việt Nam vừa tiến hành xem xét về vụ kiện này, có 1 DN bị kiện là thành viên Hiệp hội, còn 2 DN không phải là thành viên. Chúng tôi đã thông báo, cảnh báo và các DN này đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó lại với tình hình đó. Tuy nhiên, thông tin bị khởi kiện có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động XK của ngành thép”. Ông Nguyến Tiến Nghi – Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết.

Gần đây, Mỹ cũng có quyết định sơ bộ vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam. Đây là loại thuế thứ 2 cùng áp cho sản phẩm này sau thuế chống bán phá giá, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nuôi, chế biến và XK tôm.

Ông Trương Đình Hoè -Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam cũng cho biết những ảnh hưởng xấu tác động đến việc XK mặt hàng này: “Vụ kiện của Mỹ đang tạo ra những ảnh hưởng về mặt tâm lý đối với các nhà NK khác, làm giảm sản lượng NK. Từ tháng 5 đến nay, sản lượng NK của Mỹ giảm hẳn. Các DN đang chờ đợi đến tháng 8, khi Bộ thương mại Mỹ thông qua kết quả cuối cùng.”

Mới đây nhất, ngày 23-7-2013, DN sản xuất nội địa của Úc đã nộp đơn tới Ủy ban chống bán phá giá nước này yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng máy biến thế NK từ Việt Nam.

Năm ngoái, hàng Việt Nam XK đã chịu đến 11 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, nhiều nhất từ trước tới nay. Rõ ràng DN xuất khẩu của ta có lợi thế về giá và những vụ kiện như thế này làm DN bị thiệt thòi rất nhiều - chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm đánh giá.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Năng lực XK của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng đồng nghĩa với việc sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Luật sư Matthew McConkey – Phụ trách bộ phận thương mại toàn cầu khu vực Châu Á - Công ty Luật Mayer Brown nhận định: Những tình huống hay trường hợp liên quan đến trợ cấp như thế này sẽ còn tiếp tục tiếp diễn và thậm trí là còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới bởi vì Việt Nam sẽ ngày càng sản xuất nhiều hơn nữa”.

DN cần chuẩn bị tốt để tránh thua thiệt từ các vụ kiện quốc tế
DN phải nghĩ đến việc mở rộng thị trường để khi một thị trường gặp khó khăn vẫn có thị trường khác thay thế   Ông Nguyễn Duy Khiên

Trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp cần phải làm gì? Ông Nguyễn Duy Khiên - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, cho biết: Doanh nghiệp cần phải đa dạng hoá thị trường, phải nghĩ đến việc mở rộng thị trường để khi một thị trường gặp khó khăn vẫn có thị trường khác thay thế.

“DN Việt cần phải đưa ra các cách thức để đối mặt, phải chiến đấu thật tốt để giành lợi thế cho mình. Các trường hợp này sẽ đều có căn cứ của WTO giúp chúng ta chống lại những điều bất lợi đó”, Luật sư Matthew McConkey nói.

Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm "Nhiều năm qua, DN của ta vẫn im lặng với tình trạng các DN nước ngoài bán phá giá thị trường nội địa. Điển hình là ngành thép. Thép của Trung Quốc phá giá đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành thép trong nước mà lâu nay không thấy ai kiện. Gần đây đã có 2 công ty thép Việt Nam nộp đơn về chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Đây là vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên của Việt Nam đối với thép không gỉ nhập khẩu và là vụ điều tra thứ tư đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường trong nước. Điều này chứng tỏ DN cũng đã quan tâm tìm hiểu các thủ tục, cách thức và tự tin vào năng lực của mình. Và cũng là tín hiệu vui cho thấy, DN Việt Nam đang dần trưởng thành để chủ động phòng tránh và đối phó với các vụ kiện thương mại quốc tế".

Tố Uyên