Kỳ thi diễn ra gọn nhẹ và thành công

Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.002.432. Tổng số thí sinh dự thi là 989.863 đạt tỉ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh thuộc diện F0 là 79 thí sinh của 20 hội đồng thi, trong đó, có 18 thí sinh đến dự thi; 61 thí sinh không đến dự thi.

“Công tác chuẩn bị kỳ thi tại các địa phương cũng hết sức chặt chẽ, bài bản, khoa học. Tất cả các tỉnh/thành phố đều đã ban hành chỉ thị về công tác tổ chức thi, đã thành lập các ban chỉ đạo, đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, dự phòng các tình huống có thể xảy ra như thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh... Tính đến thời điểm này, việc tổ chức kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc chặt chẽ, đúng quy chế”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp TPHT nhằm bảo đảm công bằng cho học sinh
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: H.Q

Ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng thông tin, một trong những điểm mới đáng lưu ý nhất của thí sinh trong việc đăng ký dự thi năm nay là việc Bộ GDĐT tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022.

Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, đảm bảo số liệu thi chính xác.

Công tác kiểm tra chuẩn bị thi được các lãnh đạo Bộ GDĐT thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 24/6 đến ngày 5/7. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc; thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.

Cũng theo ông Phong, một trong những điểm nhấn của kỳ thi năm này là, công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch Covid-19 (năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) không được đưa vào đề thi năm nay.

Có hay không việc lộ đề thi?

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí truyền thông đặt nhiều câu hỏi liên quan đến đề thi môn Ngữ văn, có hay không việc lộ đề thi. Về vấn đề này, đại diện Bộ GDĐT cho biết, việc xác suất để đoán vào tác phẩm nào trong đề cũng là dễ hiểu.

“Có rất nhiều người dự đoán trong khuôn khổ một số tác phẩm nhất định nên đoán trúng là dễ hiểu. Nhưng cùng 1 tác phẩm hỏi khác sẽ chắc chắn khác. Chúng tôi cho rằng, phải dự đoán đúng những câu hỏi đặt ra, thậm chí là đoạn trích trong tác phẩm đó mới là lộ đề. Theo đó, một vài năm nữa, khi chương trình GDPT 2018 áp dụng, 1 chương trình nhiều sách, sẽ có ngữ liệu khác nhau, lúc bấy giờ đề thi sẽ không kìm kẹp trong bộ sách nào” – ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Trung học cho biết.

Về nghi vấn lộ đề thi môn Toán khi xuất hiện đề thi chính thức trên mạng xã hội khi chưa hết giờ làm bài, Bộ GDĐT và Bộ Công an cũng đã vào cuộc để xác minh thông tin để làm rõ vụ việc này.

Độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp TPHT nhằm bảo đảm công bằng cho học sinh
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Q.H

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết, việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT trong nhiều năm nay. Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao. Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học.

Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không ra vào phần kiến thức đã được tinh giản. Năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo đảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa. Bên cạnh đó, với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Đáng chú ý, số thí sinh vi phạm quy chế thi tăng gấp gần 3 lần. Cụ thể, có 50 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có 6 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 43 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Không có cán bộ vi phạm quy chế. Đến chiều 8/7, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.