Doanh nghiệp bất động sản quay lại “đường đua” IPO
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng trong việc huy động vốn. Ảnh: Kỳ Phương

Doanh nghiệp nội lực lớn chạy đua để niêm yết

Đầu năm 2024, chia sẻ với TBTCVN, bà Hà Phương Thảo – Chủ tịch Tập đoàn Vịnh Nha Trang, cho biết đơn vị này đang tiến hành các thủ tục để hoàn tất việc đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán.

Bà Thảo cho hay, hiện tại Tập đoàn Vịnh Nha Trang và các công ty thành viên đang sở hữu nhiều dự án lớn, có vị trí đắc địa tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà như: The Arena Cam Ranh (4.500 tỷ đồng), The Panorama (700 tỷ đồng)…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bcons - ông Lê Như Thạch cũng thông tin, theo kế hoạch, cổ phiếu Bcons sẽ chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vào quý II/2024.

Được biết, Bcons là tập đoàn có tiếng trên địa bàn vùng ven TP. Hồ Chí Minh, với những dự án đã thực hiện thành công như: Bcons Suối Tiên, Bcons Miền Đông, Bcons Green View, Bcons Garden, Bcons Bee, Bcons Plaza và Bcons Sala…

Về định hướng chiến lược IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), Tập đoàn Bcons đã đặt mục tiêu doanh thu đến năm 2026 đạt 1 tỷ USD và 2030 là 5 tỷ USD. Tổng vốn điều lệ hơn 4.235 tỷ đồng, vốn điều lệ công ty mẹ 1.350 tỷ đồng.

Một “cánh chim ngược gió” trên thị trường địa ốc năm 2023 cũng quyết tâm tham gia vào “đường đua” IPO là Công ty cổ phần Đông Tây Land.

Trái ngược với sự chật vật để tồn tại như hầu hết các sàn môi giới khác trong năm 2023, Đông Tây Land cán mốc kết quả kinh doanh ấn tượng khi có 1.233 giao dịch, tổng giá trị đạt 8.100 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thái Bình - Tổng giám đốc Đông Tây Land, mục tiêu của công ty trong năm 2024 là tăng 50% so với năm 2023, tức đạt 1.800 giao dịch, tương đương 12.000 tỷ đồng giá trị giao dịch.

Doanh thu của Metro Star tăng liên tục, lần lượt đạt từ 600 tỷ đồng trong năm 2017; dự kiến đạt 6.000 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ chính thức cán mốc 23.000 tỷ đồng trong năm 2027. Đặc biệt, mặc dù chưa chính thức IPO, cổ phiếu Công ty Metro Star đã được nhà thẩm định giá quốc tế định giá vượt 133.000 đồng/cổ phiếu.

“Về định vị thì trước đây công ty là nhà phân phối bất động sản chuyên nghiệp nhưng kể từ 2024, mục tiêu sẽ thành nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2024" - lãnh đạo Đông Tây Land cho biết.

Cũng trong năm 2023, Công ty Metro Star đang khiến giới đầu tư ngạc nhiên bởi được định giá xác định giá trị 133.000 đồng/cổ phiếu và đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo tìm hiểu, Metro Star có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng. Hiện đơn vị này nắm giữ trong tay khối tài sản có giá trị lên đến 7.985 tỷ đồng. Trong 18 năm phát triển, Metro Star tăng trưởng liên tục về quy mô dự án phát triển, doanh thu và lợi nhuận. Quy mô dự án của đơn vị này cũng tăng trưởng liên tục từ 6.000 m2 trong năm 2014, lên 18.000 m2 vào năm 2016 và tiến đến mốc 252.000 m2 trong năm 2023.

Doanh nghiệp bất động sản quay lại “đường đua” IPO
Các chỉ số kinh tế tích cực quý I/2024 sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản tự tin, mạnh mẽ hơn trên “đường đua” IPO. Ảnh tư liệu

Thanh khoản cao, nhiều thuận lợi khi IPO

Phân tích về tính khả thi và các tác động sau khi công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), đưa ra nhận định: Khi IPO, các doanh nghiệp sẽ đạt được tiêu chí công khai, minh bạch, việc huy động vốn thông qua vay trở nên thuận lợi hơn để mở rộng kinh doanh, hoặc thực hiện các dự án mới.

Trong khi đó, trước khi IPO, doanh nghiệp thường phải chấp nhận lãi suất vay cao hoặc chia sẻ tỷ lệ sở hữu dự án để nhận vốn từ các nhà đầu tư. Thế nhưng sau khi IPO, vốn vay sẽ dễ dàng và giá rẻ hơn.

Ngoài ra, với nguồn vốn huy động từ IPO, công ty cải thiện hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, có thể tăng khả năng đầu tư vào các dự án, mua sắm tài sản cố định, phát triển kinh doanh.

Đồng thời, IPO là cơ hội thoát vốn lớn cho các cổ đông một cách nhanh chóng, bao gồm các nhà sáng lập và nhà đầu tư. Họ có thể bán cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán và nhận lợi nhuận sau nhiều năm đầu tư.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, doanh nghiệp IPO sẽ đối diện với những khó khăn như phải tuân thủ nhiều quy định pháp lý và quản lý rủi ro. Công ty phải chuẩn bị tài liệu, thực hiện kiểm tra, và đảm bảo tuân thủ các quy định; trở thành công ty niêm yết đòi hỏi chi phí cao hơn, bao gồm phí cho các dịch vụ tư vấn, quảng cáo, và tuân thủ quy định chứng khoán.

Hơn nữa, doanh nghiệp IPO phải chia sẻ thông tin với công chúng và tuân thủ các quy định báo cáo tài chính. Điều này có thể làm mất quyền riêng tư và kiểm soát của công ty; có nguy cơ giá cổ phiếu giảm sau khi IPO, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Ông Tuấn cho rằng, trong năm 2024, các doanh nghiệp bất động sản dự định IPO cần xem xét bởi giai đoạn gần đây, thị trường chứng khoán đã có sự ổn định và tăng trưởng.

Thanh khoản thị trường mỗi phiên đều trên mức tỷ đô, nhà đầu tư cá nhân hào hứng với cổ phiếu khi các kênh đầu tư khác khó khăn, đặc biệt là lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp.

Điều này có thể làm cho việc IPO trở nên thuận lợi hơn, vì các nhà đầu tư có thể quan tâm đến cơ hội đầu tư vào các công ty bất động sản để tận dụng lợi suất cao hơn so với việc gửi tiền vào ngân hàng.

Một yếu tố khác là Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm nổi bật có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản. Các nút thắt về pháp lý được tháo gỡ làm cho các dự án hấp dẫn hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp có các dự án được định giá cao và có tiềm năng sinh lời trong tương lai gần.

“Nhu cầu vốn cho dự án là rất lớn và không thể chỉ dựa vào vốn cổ đông. Hầu hết doanh nghiệp sau khi niêm yết đều muốn huy động trái phiếu để phát triển dự án, trên cơ sở uy tín công ty đã được công nhận trên sàn giao dịch chứng khoán. Thế nhưng, thị trường trái phiếu vẫn đang trầm lắng, việc phát hành trái phiếu có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp vào lúc này.” - ông Tuấn cho hay.