Ngày 26/1, tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam họp báo công bố “Kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023, ấn bản Việt Nam”.

97,5% doanh nghiệp sẽ mở rộng, duy trì kinh doanh trong 1 - 2 năm tới

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Takeo Nakajima - Trưởng Đại diện JETRO Việt Nam cho biết, mặc dù sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có dấu hiệu chững lại so với 2022, nhưng nhìn nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn có kỳ vọng cao về sự tăng trưởng của thị trường trong nước.

Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng năm 2024
JETRO họp báo công bố kết quả khảo sát

Kết quả khảo sát của JETRO cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng có lãi trong năm 2023 là 54,3% (có giảm 5,2 điểm phần trăm so với năm trước), tương đương với mức năm 2021 khi còn đại dịch Covid-19. Nguyên nhân là do sự sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước, chi phí nhân công và chi phí thu mua nguyên vật liệu tăng, sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác.

Thời gian thực hiện khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, năm tài chính 2023 được thực hiện từ tháng 8 - tháng 9/2023. Đối tượng tham gia khảo sát bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản từ 10% trở lên, các chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. JETRO đã nhận được tổng số doanh nghiệp có câu trả lời hợp lệ là 849 doanh nghiệp. Ngoài ra, JETRO còn thực hiện khảo sát này đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia/khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận kinh doanh trong năm 2024 tại Việt Nam lại được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao. Có tới 50,4% doanh nghiệp được hỏi trả lời triển vọng lợi nhuận kinh doanh trong năm nay sẽ cải thiện hơn năm 2023, trong khi tỷ lệ bình quân của khu vực ASEAN chỉ là 43,8%.

Bên cạnh đó, 41,3% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng lợi nhuận kinh doanh sẽ đi ngang 2023, chỉ có 8,3% dự đoán tình hình lợi nhuận sẽ xấu đi.

Về phát triển kinh doanh trong tương lai, có 56,7% số doanh nghiệp được hỏi sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ bình quân của khu vực ASEAN (tỷ lệ này ở khu vực ASEAN là 47,5%). Bên cạnh đó, khoảng 40,8% doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì hiện trạng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, chỉ có khoảng 2,5% doanh nghiệp được hỏi trả lời sẽ thu hẹp kinh doanh hoặc rút lui, chuyển sang nước thứ 3.

Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp chế tạo trả lời mở rộng là 47,1%, ngành phi chế tạo là 65,5%. Lý do mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới với cả ngành chế tạo và phi chế tạo là do mở rộng nhu cầu thị trường nội địa và tăng xuất khẩu. Ngoài ra sự nỗ lực của doanh nghiệp trong cải thiện năng suất, cắt giảm chi phí cũng đươc xếp ở thứ hạng cao.

Môi trường kinh doanh Việt Nam kỳ vọng hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng

Ở khảo sát lần này, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đã có cải thiện hơn. Tỷ lệ thu mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ ở Việt Nam đạt khoảng 42%, tăng 4,6 điểm phần trăm so với năm trước. Thu mua từ doanh nghiệp Nhật Bản là 30,9%, giảm 4 điểm phần trăm.

Với con số 42%, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đã tăng gần 10% trong 10 năm. Dù vẫn ở mức thấp so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng trong 10 năm qua lại đứng thứ 2, sau Ấn Độ.

Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng năm 2024
Trưởng Đại diện JETRO tại Việt Nam Takeo Nakajima chia sẻ tại buổi họp báo

Về triển vọng thu mua tại chỗ trong tương lai, có 43,2% doanh nghiệp trả lời sẽ mở rộng thu mua tại chỗ ở Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của ASEAN. Xét theo ngành nghề, hơn 60% doanh nghiệp mở rộng hoạt động thu mua tại địa phương là các ngành máy móc vận chuyển, máy móc y tế/chính xác, dệt may, máy móc điện/điện tử và máy móc chung.

Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Takeo Nakajima cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng.

“Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản, xếp ở vị trí thứ 2 sau Hoa Kỳ. Hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, lớn nhất trong khối ASEAN” - ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh. Đó là có tình hình chính trị xã hội ổn định, nhân lực phong phú và có trình độ, quy mô thị trường và khả năng tăng tưởng của thị trường tốt….

Tuy nhiên, vị Trưởng đại diện JETRO Việt Nam cũng chia sẻ, Việt Nam cũng còn những rủi ro về môi trường đầu tư kinh. Đó là thủ tục hành chính còn chưa minh bạch, thời gian thực hiện thủ tục dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn dài, gây mất chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, không rõ ràng…

“Nếu Việt Nam cải thiện được những rủi ro này thì sẽ thu hút được nhiều hơn nguồn đầu tư chất lượng cao của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai…” - ông Takeo Nakajima chia sẻ.

Tại Việt Nam, 42,7% doanh nghiệp trả lời rằng họ đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, thấp hơn 3,2% so với mức trung bình của ASEAN. Tính theo ngành, tỷ lệ thiếu hụt trong ngành phi chế tạo là 45,2%. Hơn 60% doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, thông tin truyền thông, tài chính/bảo hiểm, giáo dục, y tế đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.