Tin manual
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội đang nỗ lực vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh vừa phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Tư liệu

Chỉ 1,41% doanh nghiệp hoạt động tốt

Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tạo nên một sự xáo trộn lớn và có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng.

Mặc dù vậy, các DN luôn nhận được sự đồng hành của Chính phủ, TP. Hà Nội do đó tăng trưởng kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,62% rất đáng khích lệ, trong đó ghi nhận những đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN. Cùng với việc vừa giữ sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch, cộng đồng DN đã ủng hộ chương trình phòng chống Covid-19 hàng trăm tỷ đồng, thể hiện sự trách nhiệm xã hội vì sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đất nước.

Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh thẳng thắn thừa nhận, tác động của dịch Covid-19 đến DNNVV là rất lớn, gây nhiều khó khăn cho các DN.

“Theo kết quả khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 DN trên địa bàn TP. Hà Nội trong tháng 6/2021cho thấy 57,10% DN trả lời hoạt động cầm chừng; 38,97% DN đang hoạt động bình thường; 2,61% DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% DN hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh.” - ông Mạc Quốc Anh dẫn chứng.

Ông Mạc Quốc Anh phân tích, khó khăn chủ yếu là không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do bị ắc tách tại khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch. Ngoài ra, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…

Doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động, tính toán hợp lý

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, để phát triển kinh tế Thủ đô, ông Mạc Quốc Anh cho biết, Hanoisme vừa đề nghị TP. Hà Nội cho phép thành lập tổ vắc-xin DN, cafe doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn DN; đồng thời, tạo nguồn vắc-xin tiêm cho cán bộ công nhân viên phục vụ sản xuất, nhất là DN xuất khẩu, liên quan đến tiến độ giao nhận hàng hóa…

Đặc biệt, Hanoisme đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất để DN không bị ngừng sản xuất kinh doanh, không bị chuyển thành nợ xấu…; giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp không chỉ cho DNNVV mà thêm DN trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải…

Hiến kế cho DN giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19, ở góc độ DN, bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA cho rằng, đại dịch đang diễn biến phức tạp, đây cũng là lúc các DN cần chậm lại để tiến hành cải tổ cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung vào các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ. DN nên đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc hơn. Đây cũng chính là biện pháp để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi các DN hoạt động có công cụ điều hành quản lý làm việc từ xa…

Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú nêu quan điểm, dịch bệnh tác động trực tiếp và khác nhau đến các DN. Vì vậy, đối với một số DN có thể là khó khăn, thách thức nhưng với một số DN lại là cơ hội để phát triển.

Theo ông Phú, thứ nhất DN nhỏ và không còn đủ nguồn lực kinh doanh trong mùa dịch nên tính toán lại khả năng "cầm cự" để co cụm lại, thậm chí phải rút bớt người. Nếu cần thiết, hãy mạnh dạn đóng cửa. DN có thể làm lại từ đầu sau khi hết dịch, chứ không nên “nợ nần” để rồi hoạt động lay lắt, ngày nào cũng có nợ tìm đến.

Thứ hai, với DN nhỏ nhưng đâu đó vẫn còn nguồn lực để vượt qua đại dịch, sẽ mở ra cơ hội rất lớn khi các nhu cầu của người dân ồ ạt quay trở lại. Vì thế, hoạt động trong dịch có thể cầm chừng nhưng nên chuẩn bị sẵn hàng hóa, dịch vụ, phương án để đón sóng cơ hội, chớp thời cơ thật nhanh.

Cuối cùng, với DN gặp thuận lợi trong mùa dịch, nên tận dụng thời cơ để xây dựng thương hiệu, sự uy tín và gắn bó của khách hàng…/.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, 7 tháng năm 2021, Hà Nội có 15 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 181,8 nghìn tỷ đồng, giảm 14%; thực hiện thủ tục giải thể cho 1,7 nghìn DN, tăng 22%; 7,4 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 5%; 5,9 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 54%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)