Nghị định số 73/2016/NĐ-CP (NĐ73) quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm vừa được ký ban hành. NĐ73 thay thế Nghị định 45/2007/NĐ-CP ban hành ngày 27/3/ 2007, Nghị định 123/2011/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/ 2011, Nghị định 68/2014/NĐ-CP ban hành ngày 9/7/2014 và Nghị định 46/2007/NĐ-CP ban hành ngày 27/3/2007.

Theo đó, nhiều nội dung chính được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP gồm: Điều 10 về vốn pháp định; khoản 1 Điều 19 về điều kiện mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; Điều 30 về tiêu chuẩn người đứng đầu các bộ phận nghiệp vụ; Điều 33 tiêu chuẩn của nhân viên môi giới bảo hiểm; Điều 34 về thủ tục bổ nhiệm, thay đổi một số chức danh quản trị, điều hành; Điều 38 về bán sản phẩm bảo hiểm; khoản 7 Điều 39 về công bố sản phẩm bảo hiểm; khoản 3 Điều 40 về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; Điều 62 về đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; Khoản 3 Điều 83 về nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm; Khoản 1, khoản 2 Điều 104 về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Về quy định bán sản phẩm bảo hiểm (Điều 38), Nghị định nêu rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm (BH), chi nhánh nước ngoài được quyền chủ động bán sản phẩm BH dưới các hình thức: Trực tiếp; thông qua đại lý BH, môi giới BH; thông qua đấu thầu; thông qua giao dịch điện tử và các hình thức khác phù hợp với quy định pháp luật.

Đối với các sản phẩm BH do Chính phủ quy định hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện theo các văn bản hướng dẫn riêng.

Khoản 4, Điều 39 về quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm BH phi nhân thọ quy định: Đối với các sản phẩm BH thuộc nghiệp vụ BH xe cơ giới, doanh nghiệp BH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí với Bộ Tài chính trước khi triển khai. Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố mức phí BH thuần tương ứng với điều kiện và trách nhiệm BH cơ bản làm căn cứ để xác định phí BH.

Đối với các sản phẩm BH phi nhân thọ khác, doanh nghiệp BH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài được phép chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí BH.

Về đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH, Điều 62, NĐ 73 quy định doanh nghiệp BH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài được mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không hạn chế.

Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 35% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; kinh doanh bất động sản theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản tối đa 10% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.

Đối với doanh nghiệp BH nhân thọ, doanh nghiệp BH sức khỏe được mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không hạn chế.

Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; kinh doanh bất động sản theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.

Khoản 1, khoản 2 Điều 104, NĐ 73 cũng quy định Quỹ bảo vệ người được BH được quản lý tập trung tại Bộ Tài chính (thay vì Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam như trước đây) và được hạch toán, quản lý, theo dõi riêng đối với từng loại hình bảo BH nhân thọ và BH phi nhân thọ, BH sức khỏe. Quỹ bảo vệ người được BH có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

Bộ Tài chính theo dõi việc trích nộp Quỹ bảo vệ người được BH của các doanh nghiệp BH, chi nhánh nước ngoài; quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ người được BH bảo đảm an toàn vốn và đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật liên quan.../.

Hồng Chi