Tặng hơn 12.000 sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn Luật Kinh doanh bảo hiểm: Những băn khoăn đã được tháo gỡ Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Huy động hiệu quả nguồn lực tài chính cho đất nước Đề xuất cơ sở pháp lý cho bảo hiểm vi mô phi lợi nhuận

Sáng 22/3, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật đến nay đã được bố cục lại theo hướng đảm bảo logic, hợp lý hơn. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu góp ý về các nội dung như: quy định về hợp đồng bảo hiểm; giấy phép thành lập và hoạt động; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong hoạt động đại lý bảo hiểm…

Bên cạnh các nội dung này, dự thảo Luật vẫn còn 2 vấn đề lớn cần xin ý kiến là về bảo hiểm vi mô và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm

Về bảo hiểm vi mô, nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước. Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Luật Kinh doanh bảo hiểm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp

Đối với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người mua bảo hiểm

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH đánh giá dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ Ba tới, đồng thời nhất trí cao với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Các ý kiến tại UBTVQH cũng nhất trí với việc chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trường hợp khi doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng cần rà soát thêm về nguyên tắc áp dụng pháp luật để tránh chồng chéo giữa các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần đảm bảo hài hòa hơn nữa của quyền lợi của người mua bảo hiểm với tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, cần lưu ý quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người mua bảo hiểm, đặc biệt cần quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, báo cáo giải trình, tiếp thu cần làm rõ quá trình rà soát, chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; thể hiện rõ quy mô sửa chữa so với bản dự thảo trước đây. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trước khi xem xét nội dung kỹ thuật chi tiết, cần phải bám sát quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng luật từ ban đầu để đảm bảo giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất, căn cơ nhất: phải tiếp cận với công nghệ mới nhất, đảm bảo phát triển nền kinh tế số; đảm bảo công khai minh bạch, tạo thuận lợi để phát triển thị trường bảo hiểm tiềm năng này; đồng thời phải phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát lại về các loại hình bảo hiểm để đảm bảo đưa ra cách phân loại có hệ thống, nhất quán trong dự thảo Luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh thêm dự thảo Luật theo các ý kiến tham gia. Tiếp tục hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội đầy đủ hơn. Nhất trí với việc dự thảo Luật có những quy định đặc thù, tuy nhiên UBTVQH đề nghị cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.