Giúp doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và thị trường lành mạnh hơn

Thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Ngọc Ba (Bình Định) và một số ĐB đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ của Cơ quan soạn thảo. ĐB cho rằng, việc sửa đổi luật lần này sẽ kiến tạo một thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, hiệu quả, tiệm cận với kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, dự thảo luật còn phát huy sự an toàn của cả hệ thống và tiết kiệm chi phí của xã hội.

“Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, tăng tính công khai, minh bạch, sự chủ động và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Chất lượng, sự an toàn của thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính và các quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đã được dự thảo luật quy định cụ thể”, ĐB Đồng Ngọc Ba nhận xét.

Huy động nguồn lực tài chính cho đất nước
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Ảnh: T.T

Đồng thời, ĐB cũng cho rằng, dự thảo luật đã tập trung phòng chống việc gian lận, tăng quản trị rủi ro, cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, các tiếp thu giải trình đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của văn bản quy phạm pháp luật.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đồng tình cho rằng, dự thảo luật đã được Cơ quan soạn thảo tiếp thu với tinh thần trách nhiệm rất cao. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến, chỉ trong vòng mấy ngày, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu giải trình.

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thị trường bảo hiểm, cùng chứng khoán, ngân hàng là 3 trụ cột chính, đóng vai trò quan trọng hình thành thị trường vốn. 2 thị trường kia đã phát triển mạnh, còn thị trường bảo hiểm vẫn còn thiếu các điều kiện để phát triển tương ứng. Đẩy mạnh phát triển thị trường bảo hiểm sẽ giúp huy động nguồn lực tài chính cho đất nước hiệu quả. Nếu dự thảo luật bao quát được các kỳ vọng, sẽ có thể là cú hích, phát triển thị trường bảo hiểm.

Thông tin thêm, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, qua thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo luật này, Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình nhận định, việc sửa đổi luật nhằm tạo cho doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt hơn, giúp doanh nghiệp phát triển và thị trường lành mạnh hơn.

Thêm đánh giá, tổng kết về bảo hiểm vi mô

Cho ý kiến cụ thể hơn vào dự thảo luật, ĐB Đồng Ngọc Ba đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn, thể hiện được tinh thần của Nghị quyết của Trung ương, đó là khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.

Hoặc như nội dung về bảo hiểm vi mô, cần rà soát kỹ các quy định của luật này với các văn bản pháp luật liên quan.

Tại Điều 6 về Hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm. Với quy định này, ĐB Đồng Ngọc Ba đề nghị cần phải bảo mật các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân. Việc cung cấp thông tin phải được giới hạn và cơ quan nào có thể yêu cầu. Cần thiết phải cụ thể hóa ngay trong luật, vì “chỉ có thể cung cấp thông tin cá nhân khi được luật hóa”.

Quy định về bảo hiểm vi mô cũng nhận được sự quan tâm của ĐBQH. ĐB Tạ Thị Yên bày tỏ nhất trí với báo cáo thẩm tra, đề nghị cơ quan soạn thảo cần có thêm đánh giá tổng kết, thí điểm mô hình bảo hiểm này cũng như đánh giá kỹ về lợi ích xã hội, chi phí lợi ích của loại bảo hiểm này.

ĐB Trịnh Xuân An cũng đề nghị, “cần nghiên cứu đánh giá toàn diện để đưa vào luật”, do bảo hiểm vi mô vừa là vấn đề mang tính xã hội, vừa mang tính kinh doanh. Hiện nay mô hình bảo hiểm này đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện rất tốt.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, bảo hiểm vi mô là hình thức bảo hiểm rất khác so với thông thường, đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế. “Bảo hiểm vi mô rất khác, phí bảo hiểm thấp, thông thường 100 - 300.000 đồng/năm; sản phẩm đơn giản dễ hiểu, gắn với vật nuôi, cây trồng, sức khỏe của người nghèo, thủ tục chi trả nhanh và dễ dàng. Mục tiêu là đảm bảo tài chính toàn diện cho các đối tượng trong xã hội có thể tham gia”, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Theo ĐB, từ năm 2008 đã triển khai thí điểm mô hình này, có 3 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia. Sau một thời gian, chỉ có 1 doanh nghiệp hiện còn cung cấp thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đến nay, số người tham gia là 130 nghìn người, phí là hơn 8 tỷ đồng. “Qua nhiều năm số người tham gia không nhiều và số tiền cũng ít, hiệu quả không cao dù về mặt an sinh xã hội có ý nghĩa rất lớn”, ĐB nói.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, có một loại hình bảo hiểm mà chúng ta bỏ quên, đó là bảo hiểm hưu trí bổ sung, dành các đối tượng đã đóng bảo hiểm xã hội rồi nhưng có tài sản, muốn tiếp tục tham gia theo kiểu đầu tư. Có nên đưa vào trong luật hay không cũng là vấn đề Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để huy động thêm nguồn lực từ đối tượng này.

Với kỳ vọng là ngành kinh doanh quan trọng của nền kinh tế, hiện doanh thu dưới 4%, lĩnh vực bảo hiểm vẫn còn dư địa rất lớn, với đất nước gần trăm triệu dân, nhiều ĐBQH kỳ vọng với việc sửa đổi luật lần này, sẽ có những thay đổi, để đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng./.

Cần giao Chính phủ hướng dẫn về bảo hiểm vi mô

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH nêu. Theo Bộ trưởng, bảo hiểm vi mô là hình thức bảo hiểm mang tính đặc thù, lượng người đông, chủ yếu là người yếu thế, người nghèo, hợp đồng bảo hiểm không quá 5 lần thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, lâu nay chúng ta mới chỉ thực hiện mang tính chất thí điểm, cần phải có nghiên cứu tổng kết, đánh giá cụ thể. Quy định về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn.

Về chi phí giám định 2 chiều, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, khi có khiếu nại hay khởi kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, thì thực hiện theo Bộ luật Dân sự, ai yêu cầu giám định thì bỏ chi phí.

“Quy định về doanh nghiệp bảo hiểm, chúng tôi sẽ hoàn thiện quy định tại dự thảo luật cho rõ hơn. Loại hình kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải đủ lớn, vốn lớn và chuyên nghiệp, có điều kiện, tính toán được các rủi ro, dự phòng. Cho nên đối với quy định hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, còn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải có vốn pháp định là 600 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói.

Một số quy định chi tiết, theo góp ý của ĐBQH, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu hoàn thiện chỉnh lý lại./.

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm để phát triển thị trường an toàn, hiệu quả Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế Tạo nền tảng vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển