Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh bảo hiểm Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng |
Việc ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (Nghị định số 174) góp phần nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về trách nhiệm pháp lý, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, minh bạch, bền vững.
Siết chặt chế tài, nâng cao ý thức doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ngày 30/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, thay thế Nghị định số 98/2013/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đồng thời, bãi bỏ các nội dung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 1/11/2019 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ).
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến Nghị định mới để nâng cao ý thức của các doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, cũng như hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
![]() |
Đại diện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham dự hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết. |
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý và hoạt động kinh doanh, giúp bảo vệ cá nhân, tổ chức trước các rủi ro, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Tăng cường kỷ cương trên thị trường "Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tăng cường kỷ cương, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan phù hợp với thực tiễn của thị trường, Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đây là một văn bản quan trọng, khắc phục những điểm còn hạn chế trong nghị định trước đây góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch hơn" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh. |
Các doanh nghiệp bảo hiểm không ngừng chú trọng việc tuân thủ các quy định của pháp luật, tuy nhiên, vì những lý do khác nhau trong quá trình kinh doanh còn phát sinh một số hành vi vi phạm như: không tuân thủ phí bảo hiểm, đại lý tư vấn không đầy đủ, gian lận bảo hiểm, cung cấp thông tin sai lệch cho bên mua bảo hiểm...
"Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính trung thực và uy tín của thị trường bảo hiểm" - ông Huyền lưu ý.
Việc ban hành Nghị định số 174 nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định về xử phạt vi phạm hành chính với quy định pháp luật chuyên ngành tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điểm mới nổi bật
Nêu rõ điểm mới tại Nghị định số 174, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chỉ rõ, việc sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm để đồng bộ, thống nhất với các nội dung đã thay thế, sửa đổi, bãi bỏ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
![]() |
Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp bảo hiểm. Ảnh: Tuấn Thuỷ. |
Qua đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có tác dụng răn đe và phòng ngừa, bảo đảm tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giám sát thị trường bảo hiểm, bảo đảm mọi vi phạm hành chính được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Tại Nghị định số 174 bổ sung mới một số hành vi vi phạm như: cung cấp sản phẩm bảo hiểm, vi phạm các quy định về đại lý bảo hiểm, về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, việc thực hiện các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán (biện pháp cải thiện, biện pháp can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát). |
Bên cạnh đó, sửa đổi một số nội dung để tương thích, tuân thủ quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cụ thể đã sửa đổi về hình thức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, quy định rõ nguyên tắc xác định mức phạt tiền và thời hạn đình chỉ trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, vi phạm hành chính nhiều lần, thi hành các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
Sửa đổi hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm, bảo đảm mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể thi hành được trong thực tiễn, phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, bảo đảm khách quan và công bằng với đối tượng vi phạm.
Bổ sung thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đối với các chức danh thuộc lực lượng Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời quy định rõ nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt tương ứng với thẩm quyền quản lý nhà nước của các cơ quan để bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, bổ sung và hoàn thiện quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt./.