Đây là đánh giá của Chuyên gia Kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về vấn đề phát triển thị trường bảo hiểm hiện nay.

Thẳng thắn, trách nhiệm, giải pháp thiết thực, hiệu quả Tín hiệu tích cực của thị trường bảo hiểm được thể hiện qua lăng kính nghị trường

PV: Thưa ông, hoạt động kinh doanh bảo hiểm thời gian qua có xảy ra hiện tượng chèo kéo, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Tài chính. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này và nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện thể chế chính sách?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta biết rằng, lĩnh vực bảo hiểm là lĩnh vực được quốc tế hoá nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ tại nước ta. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển nhanh thì đã phát sinh những bất cập về mặt pháp lý. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý đã sửa đổi, ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023. Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được ban hành đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bộ Tài chính làm rất tốt việc quản lý và lập lại trật tự hoạt động kinh doanh bảo hiểm

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trong thực tế, việc áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023 đã phát huy tác dụng, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Mặc dù vậy, thời gian vừa qua, dư luận có phản ánh sai phạm từ việc mua bán hợp đồng bảo hiểm; hiện tượng chèo kéo, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã và đang làm rất tốt việc quản lý và chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cùng với việc quản lý chặt chẽ và nền tảng pháp lý mới thị trường bảo hiểm sẽ có sự thay đổi tích cực hơn.

Chính xác là một số công ty bảo hiểm khi liên kết với ngân hàng có sử dụng nhân viên ngân hàng để mời chào, môi giới bán bảo hiểm, trong khi đó những nhân viên này chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực bảo hiểm, nên đã dẫn đến việc phản ứng trong xã hội.

Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức, hiểu biết để bán bảo hiểm.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận xã hội, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, qua đó xử phạt nghiêm minh, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đi vào nề nếp.

Với trách nhiệm gián tiếp của Bộ Tài chính là cơ quan cấp phép và quản lý các công ty bảo hiểm, Bộ Tài chính đã và đang tiến hành kiểm tra quy chế nội bộ, văn hóa ứng xử trong các công ty bảo hiểm.

Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan liên quan có sửa đổi, hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm theo hướng rõ ràng, ngắn gọn và chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền yêu cầu nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.

Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc Bộ về việc kiểm tra giám sát thường xuyên, cũng như giám sát đột xuất hoạt động của công ty bảo hiểm khi có phản ánh của khách hàng. Đây là những biện pháp tích cực, quyết liệt của Bộ Tài chính, góp phần quyết định lấy lại niềm tin của người mua bảo hiểm, cũng như của xã hội với loại hình kinh doanh này.

PV: Ở góc độ chuyên gia tài chính, theo ông những hạn chế cơ bản của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong thời gian qua là gì?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Có thể thấy, do sự phát triển quá nhanh của hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại nước ta trong những năm qua, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, nên các công ty bảo hiểm có sự cạnh tranh, tuyển lực lượng nhân viên bảo hiểm lớn với mức lương chưa phù hợp, nhưng lại có mức thù lao hoa hồng hợp đồng bảo hiểm rất cao. Vì vậy, dẫn tới việc các nhân viên này đua theo doanh số, chèo kéo khách hàng, tư vấn chưa đúng với bản chất của sản phẩm hàng hoá bảo hiểm, từ đó làm cho hoạt động bảo hiểm mất dần niềm tin đối với khách hàng.

PV: Trả lời chất vấn của Đại biểu tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp này?

Bộ Tài chính làm rất tốt việc quản lý và lập lại trật tự hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Bộ Tài chính làm rất tốt việc quản lý và lập lại trật tự hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: minh hoạ

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cũng đánh giá rất cao tinh thần thẳng thắn, quyết liệt của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khi đưa ra các giải pháp chấn chỉnh các vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó có giải pháp tăng cường thanh, kiểm tra.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản để cụ thể hoá Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường giám sát hoạt động của các công ty bảo hiểm một cách nghiêm túc, ngăn chặn sai phạm trong bán bảo hiểm qua ngân hàng…

Công ty bảo hiểm nào có dấu hiệu vi phạm thì Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đưa hoạt động bảo hiểm trở lại với vị thế trong nền kinh tế thị trường.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trên thế giới việc các ngân hàng bán bảo hiểm là hoạt động bình thường và đem lại hiệu quả cao trong quảng bá kinh doanh. Vấn đề làm sao hoạt động tư vấn hợp động bảo hiểm phải rõ ràng, đúng với bản chất của từng sản phẩm tại các ngân hàng...