Đây là chia sẻ ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch GAMA Global-Vietnam về nội dung phiên chất vấn về lĩnh vực bảo hiểm tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức ngày 18/3/2024.

Tín hiệu tích cực của thị trường bảo hiểm được thể hiện qua lăng kính nghị trường
Ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch GAMA Global-Vietnam.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH CỦA THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM

PV: Thưa ông, sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông đánh giá thế nào về những vấn đề về lĩnh vực bảo hiểm được các đại biểu Quốc hội nêu và phần trả của Bộ trưởng Bộ Tài chính?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Những vấn đề liên quan đến bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng được các đại biểu Quốc hội nêu ra khá sát với tình hình thực tế đang diễn ra hiện nay, phản ảnh sự quan tâm của dư luận, của cử tri đối với lĩnh vực này. Theo tôi, đây là một tín hiệu rất tích cực cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Bảo hiểm là một trong những trụ cột của nền tài chính đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Chúng ta đã ban hành nhiều quy định pháp luật rất cụ thể để quản lý thị trường bảo hiểm, nhưng cũng rất cần sự quan tâm, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát việc thực thi của các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, nhằm nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm cho khách hàng theo đúng ý nghĩa và bản chất của các sản phẩm bảo hiểm.

"Tôi rất tâm đắc khi Bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, bộ phận, đơn vị, tổ chức liên quan trong quá trình phân phối, đưa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đến với khách hàng và tách bạch rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm cụ thể về sai phạm của mình, đây là một nguyên tắc rất quan trọng khi đánh giá, nhận xét về những vấn đề của thị trường bảo hiểm Việt Nam" - ông Nguyễn Đức Thắng.

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã rất thẳng thắn giải đáp các vấn đề có liên quan, với những căn cứ và thông tin rất rõ ràng, giúp làm rõ các vấn đề đại biểu nêu ra.

Đặc biệt, tôi rất tâm đắc khi Bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, bộ phận, đơn vị, tổ chức liên quan trong quá trình phân phối, đưa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đến với khách hàng và tách bạch rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm cụ thể về sai phạm của mình, đây là một nguyên tắc rất quan trọng khi đánh giá, nhận xét về những vấn đề của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Điều này sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về bảo hiểm, tránh việc bị nhiễu loạn thông tin, dẫn tới hiểu sai và ra quyết định sai trong quá trình tìm hiểu và ra quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ của chính mình và gia đình, khiến bản thân và gia đình mất đi một phương tiện quan trọng giúp bảo đảm an toàn tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống.

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MINH BẠCH, BỀN VỮNG LÀ RẤT CẦN THIẾT

PV: Trong phiên trả lời chất vấn, người đứng đầu ngành Tài chính đã khẳng định thông điệp tăng cường quản lý, giám sát, thanh - kiểm tra và xử nghiêm các trường hợp sai phạm để thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch và bền vững hơn nữa. Ông đánh giá thế nào về những hành động mạnh mẽ của cơ quan quản lý?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Thị trường bảo hiểm tại Việt Nam đã phát triển được gần 60 năm, trong đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ mới được gần 28 năm, còn rất mới mẻ và đầy tiềm năng so với sự phát triển về bảo hiểm hơn 1.000 năm và bảo hiểm nhân thọ hơn 440 năm của các nước phát triển trên thế giới.

Sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp rất nhiều trong việc bảo đảm sự an toàn tài chính cho người dân, thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn cho đất nước, đem lại công ăn việc làm cho gần 1 triệu người lao động trong ngành.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng cũng đem đến nhiều thách thức cho công tác lập pháp chuyên ngành và quản lý nhà nước, nhận thức của doanh nghiệp và người tham gia… dẫn tới xảy ra những vấn đề như chúng ta thấy trong thời gian gần đây.

Với việc Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định tăng cường quản lý, giám sát, thanh kiểm tra và xử nghiêm các trường hợp sai phạm để thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch và bền vững hơn nữa, theo tôi là hết sức cần thiết. Sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm là điều mà người dân luôn mong muốn, giúp họ yên tâm chọn lựa cho bản thân và gia đình những sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Đi cùng với việc này, tôi mong sẽ luôn có sự sẵn sàng vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền, giải đáp các thông tin mang tính nguyên tắc, pháp lý liên quan đến bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Bảo hiểm luôn liên quan sát sườn đến lợi ích của người dân, họ rất cần có một kênh thông tin uy tín, độc lập, chuẩn xác và đầy đủ về các thông tin, khái niệm, giá trị để tham khảo khi quyết định tham gia bảo hiểm. Ở các nước phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước luôn có hành động rất nhanh chóng trong việc cung cấp các thông tin này cho người dân.

Tín hiệu tích cực của thị trường bảo hiểm được thể hiện qua lăng kính nghị trường
Chất lượng thị trường bảo hiểm sẽ cải thiện trên nền tảng pháp lý mới. Ảnh: Duy Dũng.

SẼ CÓ SỰ THAY ĐỔI TÍCH CỰC TRÊN NỀN TẢNG PHÁP LÝ MỚI

PV: Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn, đó là vấn đề bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Trên thực tế, mảng này đã có những chuyển biến tích cực. Ông có nhận xét gì về những giải pháp mà các cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo hiểm và ngân hàng đã triển khai thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Sau những vấn đề đã diễn ra trong năm ngoái liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, với nhóm các giải pháp được cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo hiểm và ngân hàng triển khai như bổ sung các quy định pháp luật chặt chẽ hơn nữa, cùng với việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm khi phát hiện, mảng kinh doanh bảo hiểm này đang từng bước được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực.

Với tiềm năng và giá trị của bảo hiểm, cùng với các quy định mới về việc khai thác bảo hiểm, trong đó có việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, nếu được triển khai một cách đầy đủ, nghiêm túc, tin rằng sẽ có sự thay đổi tích cực của thị trường bảo hiểm trên nền tảng pháp lý mới.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tiến hành siết chặt hơn nữa các quy trình chuẩn mực chuyên nghiệp trong hợp tác, khai thác bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng.

Chất lượng tư vấn bán hàng và phục vụ hợp đồng được đưa vào thỏa thuận bằng việc xác lập hạn mức “tỷ lệ duy trì hợp đồng” tối thiểu và tăng dần đến tỷ lệ lý tưởng; có doanh nghiệp đã tiến đến việc thiết lập một “Ủy ban Quản lý chuẩn mực ứng xử khách hàng” giữa hai đối tác, đưa ra những tiêu chí và chế tài để quản lý, giám sát các vấn đề liên quan đến tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng, đồng thời thực hiện cuộc gọi giám sát chất lượng, xác thực thông tin nhu cầu khách hàng...

Hiện tại, đã có một số ngân hàng đã chủ động lên phương án chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa nhân viên báo bảo hiểm của mình theo đúng quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

PV: Còn về sự hoàn thiện về khung pháp lý, đặc biệt là các quy định mới về bancassurance, trên cương vị là một chuyên gia bảo hiểm, ông có bình luận gì và kỳ vọng gì về sự thay đổi về chất lượng của thị trường trên nền tảng pháp lý mới?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Theo tôi, quy định pháp luật hiện nay đã tương đối chặt chẽ và đầy đủ, nhưng để giúp cho việc bán bảo hiểm qua ngân hàng được lành mạnh và đúng đắn, cần hơn nữa là việc kiểm tra, giám sát thường xuyên và liên tục, tránh để xảy ra sự việc rồi mới làm theo kiểu “chữa cháy”.

Hoạt động khai thác bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường, nhưng cũng cần được triển khai một cách công bằng, minh bạch, đảm bảo lợi ích khách hàng.

Chất lượng của thị trường bảo hiểm phụ thuộc rất lớn vào chất lượng công tác đào tạo huấn luyện nghề tư vấn bảo hiểm, đặc biệt và việc đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp. Để phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh, đáp ứng kỳ vọng và đảm bảo lợi ích của người dân, cơ quan quản lý chuyên ngành bảo hiểm vẫn cần tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động giám sát và quản lý hoạt động của các bên có liên quan.

Với tiềm năng và giá trị của bảo hiểm, cùng với các quy định mới về việc khai thác bảo hiểm, trong đó có việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, nếu được triển khai một cách đầy đủ, nghiêm túc, tôi tin rằng sẽ có sự thay đổi tích cực của thị trường bảo hiểm trên nền tảng pháp lý mới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Băng (thực hiện)