Đã thu hồi được hơn 24 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 11/2021, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 12/2021 của Bộ Tài chính ghi nhận, ước tính đến hết tháng 11/2021, toàn ngành Thuế đã xử lý được 29,3 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế (trong đó, xử lý khoanh nợ 25,8 nghìn tỷ đồng, xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi 3,5 nghìn tỷ đồng), theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Toàn ngành Thuế cũng đôn đốc thu hồi được 24,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang.

Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thuế, năm 2021 các đợt dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khiến rất nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến người nộp thuế (NNT) gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Cán bộ, công chức thuế Cục Thuế Thái Nguyên rà soát doanh nghiệp còn nợ đọng thuế áp dụng biện pháp phù hợp để thu nợ. Ảnh: TUẤN NGUYỄN
Cán bộ, công chức thuế Cục Thuế Thái Nguyên rà soát doanh nghiệp còn nợ đọng thuế áp dụng biện pháp phù hợp để thu nợ. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Để kéo giảm nợ thuế, ngay từ những ngày đầu năm, các địa phương đã chủ động rà soát, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng. Tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị liên quan trong xử lý các khoản nợ liên quan đến đất. Mới đây, Cục Thuế Hà Nội vừa tiếp tục thực hiện công khai nợ thuế đối với 369 NNT có số nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất. Trong danh sách này có 6 NNT nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất kỳ khóa sổ 30/9/2021, với số nợ còn lại đến 1/11/2021 là 264,5 tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho rằng, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tạo áp lực cho công tác thu NSNN nói chung và công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng nói riêng. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Cục Thuế Hà Nội chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của đơn vị nợ thuế để kịp thời tháo gỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp dần nợ thuế.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ

Ông Lương Văn Ngà – Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa cho hay, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong tháng 12 này, ngoài việc chú trọng thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh, toàn đơn vị đang tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi nợ thuế, nhằm bù đắp cho những nguồn thu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Báo cáo của Cục Thuế Khánh Hòa cho thấy, tính đến 31/10/2021, tổng nợ thuế trên địa bàn cơ quan thuế đang quản lý là 1.252 tỷ đồng. So với mục tiêu Tổng cục Thuế giao, tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu là 10,9%. Cũng theo báo cáo của đơn vị này, thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14, đơn vị đã xử lý khoanh, xóa 159,8 tỷ đồng tiền nợ thuế, đạt tỷ lệ 40,7% số tiền nợ thuế phải xử lý. Trong đó, cơ quan thuế đã ban hành 331 quyết định khoanh nợ với số tiền là 136,6 tỷ đồng; UBND tỉnh đã ban hành 55 quyết định xóa nợ, với số tiền 23,1 tỷ đồng.

Lý giải thêm về tỷ lệ nợ thuế vẫn cao so với chỉ tiêu được giao, lãnh đạo Cục Thuế Khánh Hòa cho rằng, lý do chính vẫn do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến nhiều DN gặp khó khăn chưa có nguồn tài chính nộp NSNN dẫn đến nợ thuế. Cục Thuế Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2021 trên địa bàn không quá 847 tỷ đồng. Theo đó, Cục Thuế Khánh Hòa đang tổ chức thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ ngay đối với những NNT đã hết thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Xử lý được 29,3 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế

Ước tính đến hết tháng 11/2021, toàn ngành Thuế đã xử lý được 29,3 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế (trong đó, xử lý khoanh nợ 25,8 nghìn tỷ đồng, xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi 3,5 nghìn tỷ đồng), theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Toàn ngành Thuế cũng đôn đốc thu hồi được 24,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang.

Cùng với đó, Cục Thuế Khánh Hòa cũng giao nhiệm vụ thu nợ, xử lý nợ thuế cho người đứng đầu lãnh đạo đơn vị và từng cán bộ tham gia quản lý nợ thuế, chỉ đạo cụ thể các biện pháp áp dụng thu nợ, xử lý nợ để xử lý, thu hồi nợ thuế vào NSNN, đảm bảo chỉ tiêu đã được giao.

Ông Đỗ Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho hay, công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế cũng như xử lý nợ thuế luôn được toàn đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thực hiện đúng quy trình quản lý nợ và các quy định hiện hành. Thông qua các biện pháp tích cực, cục thuế đã triển khai, tổng số nợ do ngành thuế quản lý trên địa bàn tỉnh đã giảm đều qua từng tháng. Tính đến thời điểm 31/10/2021, số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày đã giảm 24 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021.

Trong tháng nước rút này, Cục Thuế Thái Nguyên giao bộ phận quản lý nợ tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế, cũng như xử lý nợ thuế; xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ cụ thể đến từng DN, từng cán bộ quản lý nợ, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu tiền thuế nợ và xử lý nợ đã được Tổng cục Thuế giao.

“Cùng với đó, chúng tôi mời các trường hợp còn nợ các khoản nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất lên cơ quan thuế làm việc để yêu cầu NNT hoàn thành nghĩa vụ với NSNN, cũng như thông báo rõ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; thực hiện nghiêm các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế đối với các khoản nợ đã đến thời hạn cưỡng chế; ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất, thu hồi dự án đối với NNT nợ chây ỳ, kéo dài, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng không thu hồi được tiền nợ vào NSNN” – ông Đỗ Trọng Nghĩa nhấn mạnh.