Đây là nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) giai đoạn hiện nay của ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

*PV: TTCK những phiên gần đây cho thấy sự hồi phục và khởi sắc rõ rệt. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến, cũng như đánh giá của mình về thị trường những phiên gần đây? Đâu là nguyên nhân hỗ trợ TTCK trong nước tăng điểm, thưa ông?

Động lực nào giúp thị trường chứng khoán hồi phục gần đây?
Ông Bùi Nguyên Khoa

Nhịp hồi phục này dự trên mặt bằng định giá hợp lý, hỗ trợ tâm lý từ thị trường quốc tế và sự trở lại của dòng tiền nhà đầu tư. VN-Index có khả năng sẽ thử thách lại ngưỡng 1.300 điểm sau 2 lần chưa thành công trong năm 2024. Tuy nhiên, như đã đề cập, mốc 1.300 điểm vẫn là ngưỡng cản lưu ý của thị trường trong năm 2024. Thị trường sẽ cần những thông tin hỗ trợ mạnh để vượt qua ngưỡng này.

Ông Bùi Nguyên Khoa: Chỉ số VN-Index đang phục hồi tích cực sau nhịp điều chỉnh nhanh về mức 1.188 điểm vào giữa tháng 8. Sau những phiên giao dịch khá thận trọng với biên độ và thanh khoản thấp, chỉ số tăng tốc tiến về vùng đỉnh của năm tại 1.300 điểm.

Đợt phục hồi này nhận được sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực. Theo đó, sau một đợt bán mạnh trong khi kết quả kinh doanh quý II toàn thị trường tăng trưởng 27,2% so với cùng kỳ đã đưa mặt bằng giá về mức hợp lý với P/E 13 lần, thấp so với mức bình quân nhiều năm qua. Mức định giá hợp lý đã thúc đẩy hoạt động mua vào giúp thị trường trở lại trạng thái cân bằng.

Cùng với đó, thị trường sụt giảm mạnh do một số thông tin kém tích cực trong nước và diễn biến tiêu cực từ TTCK quốc tế, dẫn đầu là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các thông vĩ mô sau đó cho thấy nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Hoa Kỳ khó xảy ra kéo theo sự phục hồi đồng loạt của TTCK quốc tế và sự tăng điểm của TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá VND giảm đáng kể cùng với sự yếu đi của DXY trước viễn cảnh FED hạ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm không gian để giảm các lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu. Chuyển biến này cũng ảnh hưởng phần nào đến dòng tiền và tâm lý trên TTCK.

Ngoài ra, khối ngoại đã giảm lượng bán ròng mạnh, theo đó khối ngoại chỉ bán ròng 66 triệu USD trong tháng 8 so với mức bán ròng 324 triệu USD trong tháng 7. Họ cũng thực hiện những phiên mua ròng tại vùng giá thấp, phần nào hỗ trợ trợ cho sự hồi phục của thị trường.

Theo chúng tôi, thị trường hồi phục trong hơn 2 tuần gần đây là tương đối lành mạnh nhờ yếu tố định giá hợp lý, tâm lý cải thiện cùng vận động tăng giá thị trường quốc tế và dòng tiền chuyển biến tích cực.

Dù vậy, khi VN-Index tiến gần vùng đỉnh quanh 1.300 điểm, áp lực chốt lãi sẽ tăng lên qua đó hình thành một vùng tích lũy và không loại trừ xuất hiện nhịp rung lắc trước khi có tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng vượt đỉnh.

*PV: Không chỉ có điểm số, thị trường đang cho thấy sự cải thiện tích cực về dòng tiền. Ông có bình luận gì về điều này?

Ông Bùi Nguyên Khoa: Sau những phiên giao dịch khá thận trọng từ vùng đáy, thanh khoản thị trường đã có cải thiện rõ rệt và vượt qua mức giao dịch bình quân 20 phiên. Diễn biến tăng giá đi kèm thanh khoản cũng củng cố nhận định của chúng tôi nêu trên khi cho rằng đây là một đợt hồi phục lành mạnh.

Dù vậy diễn biến thị trường và dòng tiền tích cực chưa đồng nghĩa với khả năng thị trường sẽ hình thành một xu hướng tăng điểm mạnh. Xem xét vận động giá của VN-Index đầu năm, chúng tôi cho rằng, chỉ số chỉ có xu hướng tăng rõ ràng trong 3 tháng đầu năm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Từ tháng 4 đến này, chỉ số vận động đi ngang xung 1.050 ± 60 điểm. Vùng giá quanh 1.300 điểm tiếp tục là vùng cản thị trường trong 8 tháng đầu năm và có thể cả trong năm 2024.

Thị trường sẽ cần có những nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt xu hướng, sự đồng thuận về dòng tiền và những thông tin hỗ trợ có tính đột phá hơn để vượt qua ngưỡng kháng cự này qua đó củng cố cho xu hướng tăng điểm dài hạn đã được xác lập từ tháng 11/2022.

Động lực nào giúp thị trường chứng khoán hồi phục gần đây?
Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện giúp thanh khoản gia tăng tích cực. Ảnh: Duy Dũng.

*PV: Dù chưa thực sự lớn, nhưng mặt bằng thanh khoản đã cao lên phần nào cho thấy biểu hiện nhập cuộc của dòng tiền mới. Liệu rằng dòng tiền có giữ được “nhiệt” trong ngắn và trung hạn hay không? Ông dự báo thế nào về thanh khoản thị trường trong giai đoạn tới?

Ông Bùi Nguyên Khoa: Giá trị giao dịch toàn thị trường bình quân 7 tháng năm 2024 đạt trên 940 triệu USD/phiên, cao hơn 35% mức bình quân năm 2023. Điều này cho thấy hoạt động giao dịch có chuyển biến tốt trong năm 2024 bất chấp khối ngoại vẫn đẩy mạnh bán ròng. Dù vậy thanh khoản đạt đỉnh trong tháng 3 và giảm về mức trung bình trong các tháng tiếp theo.

Thanh khoản trong tháng 8 đang có dấu hiệu phục hồi sau khi đã giảm khá trong tháng 7. Chúng tôi cho rằng, thanh khoản sẽ chưa có chuyển biến mạnh trong những tháng cuối năm 2024 nếu không có thông tin mang tính bước ngoặt như nâng hạng thị trường, triển khai hệ thống giao dịch mới và sản phẩm mới. Thanh khoản thị trường năm 2024 dự báo tăng từ 30% - 40% so với mức nền thấp của năm 2023.

*PV: Về mặt điểm số, ông nghĩ thế nào về khả năng trở lại mốc 1.300 điểm của VN-Index?

Ông Bùi Nguyên Khoa: Nhịp hồi phục này dự trên mặt bằng định giá hợp lý, hỗ trợ tâm lý từ thị trường quốc tế và sự trở lại của dòng tiền nhà đầu tư. VN-Index có khả năng sẽ thử thách lại ngưỡng 1.300 điểm sau 2 lần chưa thành công trong năm 2024. Tuy nhiên, như đã đề cập, mốc 1.300 điểm vẫn là ngưỡng cản lưu ý của thị trường trong năm 2024. Thị trường sẽ cần những thông tin hỗ trợ mạnh để vượt qua ngưỡng này.

Nếu xét trong chu kỳ dài từ 11/2022 đến nay, VN-Index vẫn đang nằm trong pha tăng điểm dài hạn đồng hành với sự hồi phục của chu kỳ kinh tế. Do vậy, chúng tôi cho rằng, vận động giá từ tháng 4/2024 đến nay là một quá trình tích lũy cho một xu hướng tăng điểm tiếp theo kéo dài sang 2025.

*PV: Xin cảm ơn ông!