Đồng thuận tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia
Không kiểm soát tiêu dùng rượu, bia sẽ đem lại nhiều hậu quả về kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu.

Tăng thuế để giảm tiếp cận với rượu, bia của người dân

Tình hình tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế và xã hội. Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh liên quan đến rượu như: loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…), là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Những vấn đề trên là gánh nặng y tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Không kiểm soát tiêu dùng rượu, bia sẽ đem lại nhiều hậu quả về kinh tế - xã hội.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, vì lý do trên, Bộ Y tế nhất trí cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mặt hàng rượu, bia nhằm giảm tiêu dùng rượu, bia, giảm tiếp cận với rượu, bia của thanh thiếu niên và người nghèo, vì đây là các đối tượng dễ bị tổn thương và cũng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng hơn từ tác hại của rượu, bia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra.

Chia sẻ về tác hại của rượu, bia đến sức khỏe con người tại Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, uống rượu, bia ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là những trường hợp thường xuyên sử dụng (lạm dụng). Ngoài những tác hại của rượu, bia dễ nhận thấy sau khi uống như: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi… Rượu, bia còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người và gây ra các vấn đề xã hội như mất trật tự an toàn xã hội, mất an toàn giao thông…

Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, tác hại của rượu, bia đến các cơ quan trong cơ thể đầu tiên có thể nhắc đến gan. Bởi, khi rượu, bia được đưa vào cơ thể, sau khi được dạ dày hấp thụ 20% và ruột non hấp thụ 80% chúng sẽ được tiến hành chuyển hóa tới 90% tại gan. Quá trình chuyển hóa này khiến gan liên tục chịu tác động từ các chất độc tố có trong rượu. Khi tình trạng này kéo dài và diễn ra liên tục khiến chức năng gan suy giảm nghiêm trọng. Rượu là tác nhân gây các bệnh: Viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ…, thậm chí là ung thư gan.

Đồng thời, rượu gây ra thiếu Vitamin B1, làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức…, dần dần dẫn tới suy tim. Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát ở những người bình thường. Các nguy cơ đột quỵ, mất ngủ, huyết áp cao, nhồi máu cơ tim…, cũng cao hơn so với người không có thói quen uống rượu, bia…

Tăng theo lộ trình đến năm 2030

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, hoàn toàn đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu, bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội.

Tuy nhiên, bà Cúc đề xuất, ban soạn thảo dự án Luật xem xét nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Những biện pháp trên nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030.

Dẫn chứng cơ sở pháp lý cần tăng thuế TTĐB với mặt hàng rượu, bia, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế TTĐB một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Còn theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đối với mặt hàng rượu, bia: quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng thuế theo lộ trình dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là đáng kể nhưng chưa đủ để giảm khả năng chi trả cho rượu, bia theo thời gian.

Theo WB, Việt Nam cần tăng thuế ở mức tham vọng hơn. Cụ thể, WB đề xuất tăng thuế TTĐB với rượu, bia lên 155% hoặc phương án bổ sung mức tuyệt đối 16.500 đồng (tính trên một lít cồn) cộng với thuế suất 65% như hiện nay. Việc này đảm bảo rượu, bia không trở nên phổ biến hơn, tác động tích cực tới đảm bảo sức khỏe khi mức độ dùng loại đồ uống này được điều chỉnh.

WHO khuyến nghị cần tiếp tục tăng thuế

Theo tính toán của WHO, thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Do vậy, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu và bia từ năm 2016 - 2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu, bia. WHO khuyến nghị, trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.