Đồng USD tăng giá sẽ tác động thế nào tới các nhóm ngành?

Chỉ số DXY dự báo còn tăng

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục điều chỉnh tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá mạnh. Dữ liệu kinh tế và biên bản cuộc họp của FED hồi cuối tháng 9/2023 đều chỉ ra rằng, mức lạm phát vẫn đang duy trì ở mức cao và kỳ vọng thị trường đang theo hướng FED sẽ duy trì mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, xung đột trong khu vực Trung Đông khiến giá các đồng tiền, hàng hóa trú ẩn tăng mạnh như USD, vàng hay dầu mỏ.

Thống kê từ SSI Research cho biết, đồng USD tiếp tục duy trì được sức mạnh của mình và chỉ số đồng Đô la Mỹ (DXY) đóng cửa ở 106,6 điểm - tăng 0,6% vào cuối tuần qua. Các đồng tiền chủ chốt hầu như đều giảm giá so với USD như JPY -0,45%, EUR -0,36% hay GBP -0,46%. Giá vàng thế giới tăng tới 5,4% trong tuần qua trong khi giá dầu Brent tăng tới 7,5%. Sang tuần thứ 3 của tháng 10, chỉ số DXY vẫn đang dao động trên mốc 106 điểm.

Trong một báo cáo cập nhật vừa phát hành, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng nghiêng về kịch bản chỉ số DXY sẽ tiếp tục mạnh lên trong tương lai gần khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng tích cực (GDP +2,6% so với cùng kỳ), trong khi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các nơi trên thế giới đặc biệt là Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

“Xét theo góc nhìn kỹ thuật, chỉ số DXY có thể tiếp tục đà tăng trong trung hạn và hướng lên ngưỡng cản gần là 107 điểm, xa hơn 110 điểm trước khi có cơ hội tạo đỉnh” - chuyên gia của KBSV dự báo.

Bình luận về đà tăng của đồng USD, chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, FED đã nâng lãi suất lên 11 lần kể từ tháng 10/2022 cho đến thời điểm hiện tại. Điều này khiến các nhà đầu tư bắt đầu theo đuổi các khoản đầu tư bằng đồng USD để thu lợi nhiều hơn, khiến nhu cầu USD tăng mạnh, đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao. Đà tăng của đồng USD càng có cơ sở để củng cố khi thị trường tin rằng FED sẽ giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái thắt chặt trong năm 2024.

“Động thái của FED cùng với sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ trong khi kinh tế một số khu vực lớn gây thất vọng sẽ là cơ sở để đồng USD có nhiều khả năng tiếp tục tăng giá trong ngắn hạn” - chuyên gia của BSC cho hay.

Áp lực lên tỷ giá vẫn còn, nhưng có ngành hưởng lợi

Đồng USD dự báo còn tăng vì thế áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng vẫn được duy trì. Trên thực tế, tỷ giá USD/VND trong nước có phần dịu lại trong tuần đầu tháng 10, nhưng lại tăng trở lại sau đó. Tính tới cuối tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng ở mức 24.450 VND/USD, tăng 60 đồng so với tuần trước đó. Tỷ giá niêm yết của VCB đóng cửa cuối tuần ở mức 24.260/24.630 đồng (mua vào/bán ra, tăng 80 đồng). Đây cũng là khoảng giá đang được giao dịch trong hai phiên đầu tuần này.

Theo các chuyên gia của BSC, khi lạm phát của Mỹ tăng cao, FED sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dẫn đến các nhà đầu tư bắt đầu theo đuổi các khoản đầu tư bằng USD để thu lợi nhiều hơn, khiến nhu cầu USD tăng mạnh, chỉ số DXY tăng khiến VND bị giảm giá trị so với USD dẫn đến áp lực về tỷ giá và Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp chính sách tiền tệ để điều hành tỷ giá.

Theo đánh giá của BSC, những nhóm ngành và cổ phiếu được hưởng lợi của việc tăng tỷ giá USD/VND gồm thủy sản, hóa chất, dầu khí, phân bón, gạo, dệt may, săm lốp. Trong khi đó, những nhóm ngành chịu ảnh hưởng trung lập gồm sắt thép và nhựa. Ngược lại, ngành công nghệ thông tin là ngành có thể chịu tác động tiêu cực.

Ngoài ra, theo chuyên gia của KBSV, việc đồng USD tăng giá cũng thúc đẩy xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường chứng khoán cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. "Xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó đảo ngược trong ngắn hạn" - KBSV dự báo.

"Xét theo góc nhìn kỹ thuật, chỉ số DXY có thể tiếp tục đà tăng trong trung hạn và hướng lên ngưỡng cản gần là 107 điểm và xa hơn 110 điểm trước khi có cơ hội tạo đỉnh" - chuyên gia của KBSV dự báo.