Đưa hoạt động xuất nhập khẩu về đúng bản chất
Để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, về lâu dài, cần sửa tổng thể các pháp luật liên quan, như Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế GTGT... Ảnh: TL

Xuất nhập khẩu tại chỗ giảm chi phí và thời gian giao hàng

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, kể từ khi Luật Thương mại cùng với hàng loạt nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính được ban hành từ năm 2005 cho đến khi có Nghị định 08/2015/NĐ-CP (Nghị định 08) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, doanh nghiệp (DN) được phép xuất nhập khẩu (XNK) tại chỗ.

Điều này đã tạo ra sự thuận tiện và nâng cao tính cạnh tranh cho DN FDI, thông qua việc đặt nhà máy tại Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà không phải nhập nguyên liệu từ nước khác.

Sửa các nghị định quy định điều kiện để được miễn thuế

Theo ông Nguyễn Bắc Hải, khi sửa đổi điều 35 của Nghị định 08/2025/NĐ-CP, cần sửa các nghị định quy định điều kiện để được miễn thuế đối với nguyên liệu đầu vào liên quan đến trường hợp này như Nghị định 134, nghị định 18 sửa đổi nghị định 134 và nghị định 29 quy định chi tiết Luật thuế GTGT.

Các nhà xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) tại chỗ tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện đơn hàng, tăng tính sẵn sàng và sẵn có của hàng hóa trong bối cảnh ràng buộc về thời gian tiếp thị sản phẩm và đưa hoạt động sản xuất về gần thị trường tiêu thụ (Nearshoring).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các thương hiệu quốc tế không có sự hiện diện tại Việt Nam ưa chuộng việc phát triển nguyên phụ liệu tại Việt Nam để có thể sử dụng các nguyên phụ liệu đó sản xuất các sản phẩm cuối cùng.

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại 3 bên giữa các nhà sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam (nắm giữ công nghệ, kỹ năng và quy trình phát triển nguyên phụ liệu cho thương hiệu), nhà máy sản xuất thành phẩm tại Việt Nam (ký hợp đồng gia công hoặc sản xuất XK cho thương hiệu) và thương hiệu quốc tế (không hiện diện ở Việt Nam) đã mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho môi trường kinh doanh Việt Nam nói chung và các DN địa phương nói riêng.

Cụ thể, chính sách XNK tại chỗ của Việt Nam giúp giảm chi phí logistics và thời gian giao hàng, thu hút vốn FDI từ các thương hiệu quốc tế đặt nhà máy vào Việt Nam cũng như tăng khối lượng XNK của Việt Nam nhờ thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Theo EuroCham, việc bãi bỏ chính sách XNK nêu tại điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định 08 theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 08 sẽ làm tăng chi phí đầu vào của nhà sản xuất, dẫn đến giá thành hàng hóa sản xuất, gia công tại Việt Nam tăng. Hơn nữa, việc giao hàng qua kho ngoại quan thay vì trực tiếp giữa các nhà máy (khi áp dụng XNK tại chỗ) hoặc phải NK từ nước ngoài sẽ làm tăng chi phí vận hành cho DN và thời gian vận chuyển, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Với việc bãi bỏ chính sách này, Việt Nam sẽ khó giữ vị thế là điểm đến hấp dẫn đầu tư của các thương hiệu quốc tế. Vì vậy, EuroCham khuyến nghị, giữ nguyên hiệu lực của khoản c, điểm 1 Điều 35 của Nghị định 08, nhằm duy trì thực hiện việc XNK tại chỗ.

Giao dịch nội địa không phải là hoạt động xuất nhập khẩu

Liên quan đến vấn đề thủ tục XNK tại chỗ, ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, Tổng cục Hải quan đang thực hiện rà soát đánh giá tổng thể về cơ sở pháp lý cũng như tác động của việc sửa đổi quy định này. Khi lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ về nghị định sửa đổi Nghị định 08 và qua rà soát thì cơ sở pháp lý của quy định tại điểm c, khoản 1, điều 35 chưa được vững chắc và có những điểm chưa phù hợp.

Cụ thể, khi rà soát các luật như Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan, Luật Thuế XNK đều không có quy định đối với hoạt động giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng giữa hai DN thông qua hoạt động gia công hay sản xuất xuất khẩu thông qua mua bán giữa DN Việt Nam và thương nhân nước ngoài có hiện hoặc không hiện diện tại Việt Nam.

Ông Hải nhấn mạnh, sửa khoản c, điểm 1 điều 35 không có nghĩa là bỏ hoạt động cung ứng hiện tại của DN hiện nay mà cơ quan hải quan đánh giá hoạt động đó không phải là hoạt động XNK. Tổng cục Hải quan đã có tham khảo kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, châu Âu và các nước xung quanh thì hoạt động này không được coi là hoạt động XNK, không đúng với bản chất XNK tại chỗ.

Đưa hoạt động xuất nhập khẩu về đúng bản chất
Ảnh minh họa

Theo ông Hải, hiện nay cơ quan hải quan đang cho phép đăng ký tờ khai hải quan với hoạt động giao nhận mang tính chất nội địa, nhưng qua rà soát thấy rằng, cơ quan hải quan đăng ký tờ khai như vậy là không đúng với bản chất của giao dịch này. Hoạt động này là giao dịch nội địa nên phải đưa về bản chất của giao dịch nội địa.

“Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, kể cả bỏ khoản c, điểm 1 điều 35 thì bản chất hoạt động này không hề thay đổi, DN vẫn giao nhận bình thường. Vấn đề ở đây là chính sách thuế với hoạt động này, liên quan đến việc duy trì mở tờ khai hay không để đáp ứng điều kiện được miễn thuế” - đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan khẳng định.

Ông Hải cho biết, trong chính sách thuế hiện tại, một trong những điều kiện được miễn thuế đối với nguyên liệu đầu vào là phải có hoạt động XK (XK tại chỗ, XK vào khu phi thuế quan, XK ra nước ngoài). Để đảm bảo quyền lợi cho các DN, về lâu dài, cần sửa tổng thể các pháp luật liên quan, mà căn cơ nhất là sửa Luật Thuế XNK, Luật Thuế GTGT, trong đó, sửa ở cấp nghị quy định điều kiện để được miễn thuế.

Trong báo cáo với Chính phủ, về lâu dài, Bộ Tài chính đang sửa hệ thống pháp luật cho đồng bộ, trước mắt để giải quyết những tồn tại trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN là gửi báo cáo hải quan, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời….

Mới nhất, trong báo cáo Chính phủ, Tổng cục Hải quan đề xuất lộ trình kể cả khi bỏ điểm c, khoản 1, điều 35 thì sẽ có lộ trình thực hiện 1 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực (dự kiến nghị định sửa đổi này có hiệu lực từ 1/1/2025).

Kiến nghị tách bạch thuế quan ưu đãi với áp dụng hình phạt khi vi phạm

Liên quan tới lĩnh vực hải quan, các DN EuroCham nêu ý kiến, có một số loại thuế quan ưu đãi với thủ tục áp dụng khác nhau cho mỗi loại. Trên thực tế, các nhà nhập khẩu có thể chưa chuẩn bị tốt cho việc áp dụng các mức thuế khác nhau tương ứng với từng loại hàng hóa nhập khẩu và có thể vô tình sai sót trong quá trình thông quan hàng hóa.

Trong một số trường hợp, các thay đổi đối với hàng hoá nhập khẩu cũng dẫn đến việc áp dụng các biểu thuế khác nhau cho hàng hoá đó. Ví dụ, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Trường hợp nhà nhập khẩu muốn tiêu thụ các nguyên liệu này trong nước thay vì dùng cho hoạt động sản xuất, thì không áp dụng miễn thuế nhưng có thể áp dụng mức thuế ưu đãi khác cho nguyên liệu đó.

Tuy nhiên, khi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nguyên liệu hết thời hạn hoặc nhà nhập khẩu đã vô tình khai sai thời điểm chuyển mục đích sử dụng nguyên liệu thì những trường hợp này không được áp dụng thuế quan ưu đãi và nhà nhập khẩu phải chịu phạt.

Các DN EuroCham khuyến nghị, tách bạch việc áp dụng thuế quan ưu đãi với việc áp dụng hình phạt khi vi phạm pháp luật.