EU

Buổi họp báo tại phái đoàn EU chiều ngày 25/6.

Năm 2014, cam kết tổng thể của EU về ODA cho Việt Nam là 542 triệu euro (735 triệu USD), giảm 24% so với năm 2013. Trong đó, các khoản vay ưu đãi hầu như được giữ nguyên, con số sụt giảm chủ yếu là khoản viện trợ không hoàn lại.

Đây là thông tin tại buổi họp báo ngày 25/6 công bố những thông tin mới nhất về Hoạt động Hợp tác Phát triển (ODA) của Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Giữ nguyên cam kết cho vay ưu đãi

Theo Sách Xanh 2014 vừa được công bố, EU và các nước thành viên tiếp tục là nhà viện trợ ODA lớn nhất toàn cầu trong năm 2013, bằng việc đóng góp 56,5 tỉ euro (76,8 tỉ USD), chiếm tới hơn một nửa tổng giá trị viện trợ toàn thế giới. Đối với Việt Nam, các cam kết tổng thể của EU về ODA cho Việt Nam năm 2014 là 542 triệu euro, giảm 24% từ con số 743 triệu euro của năm 2013.

Theo EU, nguyên nhân sụt giảm là do con số cam kết 542 triệu euro không bao gồm khoản đóng góp từ Bỉ và Đức trong cùng kỳ năm trước. Từ năm 2015 trở đi, Đức sẽ cung cấp các khoản đóng góp theo kế hoạch định kỳ 6 tháng tại Việt Nam.

Đồng thời, một nguyên nhân nữa của việc giảm cam kết tổng thể là các khoản viện trợ không hoàn lại giảm dần do vị thế thu nhập trung bình của Việt Nam đạt được vào năm 2010.

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2014, EU đã cung cấp tổng cộng 5,8 tỷ euro cho Việt Nam, trong đó 41% là tài trợ không hoàn lại (2,4 tỷ euro) và 59% là các khoản vay. Riêng năm 2014, tỷ lệ viện trợ không hoàn lại trong cam kết ODA tổng thể giảm còn 24% (130 triệu euro) và tỷ lệ khoản vay là 76% (412 triệu euro, xấp xỉ năm 2013).

Về mức độ giải ngân, tổng giải ngân ODA của EU năm 2013 đã tăng đáng kể là 15%, đạt mức 456 triệu euro, bằng 61,3% tổng cam kết tài trợ. Theo EU, mặc dù ODA song phương của EU đang giảm từ từ, nhưng vẫn có nhiều kênh khác mà qua đó Việt Nam có thể hưởng lợi từ tài trợ nước ngoài. Ví dụ như đóng góp trực tiếp của các nhà tài trợ trong đó có EU và các nước thành viên tới các tổ chức đa phương, ngân hàng phát triển và các tổ chức quốc tế khác.

EU
Biểu đồ cam kết viện trợ của EU với Việt Nam giai đoạn 2007 - 2014 (theo Sách Xanh 2014).

Không bị tác động bởi tình hình biển Đông

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV về việc tình hình biển Đông có ảnh hưởng thế nào đến ODA của EU dành cho Việt Nam, ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, các chính sách của EU đối với các quốc gia là dài hạn và không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện này. Đối với một số sự việc xảy ra tại các khu công nghiệp vừa qua, EU đã nhận được sự khẳng định của phía Việt Nam rằng sự việc này sẽ không bị lặp lại. Trong vài năm tới, ODA của Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực năng lượng bền vững và nhà nước pháp quyền.

Liên quan đến giải pháp hỗ trợ ngư dân Việt Nam đang bị tàu Trung Quốc cản trở, đe doạ, gây nhiều thiệt hại và khó khăn cho việc sinh kế, ông Franz Jessen cho biết, trong mối quan hệ giữa EU và Việt Nam, có thể giúp ngư dân bằng cách duy trì thị trường mở cho các mặt hàng nông lâm, hải sản của Việt Nam. Đây cũng chính là chủ đề quan trọng trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hai bên. Đồng thời, hỗ trợ ngư dân sử dụng bền vững nguồn lực thuỷ sản. Đây là điều đang áp dụng trên toàn cầu và EU đã có những hợp tác với Việt Nam về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi về việc thời điểm mà EU và Việt Nam có thể ký kết FTA, đại diện EU cho biết, cuộc đàm phán vòng thứ 8 đang tiến triển tương đối tốt, có sự tham gia trực tiếp của các bộ, ngành liên quan, có sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao của cả Việt Nam và EU. Tuy nhiên, ông Franz Jessen cho rằng, hai bên nên kiên trì để có thoả thuận tốt hơn thay vì muốn ký nhanh để có hiệp định mà cả hai bên chưa hài lòng. Việc có ký kết được trong năm nay hay không còn tuỳ thuộc vào kết quả vòng đàm phán đang diễn ra tại Brussels (Bỉ)./.

Hoàng Yến