FAO thông qua chiến lược định hướng về khí hậu và đổi mới cho thập kỷ tới
Phiên họp thứ 170 của Hội đồng FAO diễn ra tại trụ sở tổ chức này ở Rome (Italia).

Các chiến lược này được đề ra nhằm thúc đẩy việc thực hiện Khung chiến lược 2022-2031 của FAO, gồm cả các nỗ lực của FAO nhằm chuyển đổi hệ thống nông sản và thúc đẩy một thế giới an toàn lương thực cho tất cả mọi người, như được đề cập tới trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Hai chiến lược chuyên đề trên liên quan đến toàn bộ hệ thống nông sản toàn cầu, bao gồm hành trình của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn - bao gồm thời điểm chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển, phân phối, giao dịch, mua, chuẩn bị, ăn và thải bỏ.

Trong đó, chiến lược về biến đổi khí hậu sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho "các hệ sinh thái thủy sinh có khả năng chống chịu và hiệu quả", tập trung vào các thách thức liên quan đến nhau như mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa, an ninh nguồn nước và suy thoái đất.

FAO cho biết tổ chức này coi khoa học và đổi mới là "động cơ mạnh mẽ để chuyển đổi hệ thống nông sản và chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng". Những yếu tố này cần đi kèm với các thể chế mạnh, quản trị tốt, khuôn khổ pháp lý phù hợp, công bằng và ý chí chính trị.

Các chiến lược được thông qua trong khuôn khổ phiên họp thứ 170 của Cơ quan điều hành FAO diễn ra ở Rome (Italia) trong hai ngày 13-14/6, vào thời điểm số người phải chịu nạn đói đang gia tăng và ngày càng xuất hiện nhiều mối đe dọa đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Tổng giám đốc FAO, ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đề cao các thỏa thuận được đưa ra tại phiên họp thứ 170 của Hội đồng FAO là "kết quả phi thường của những nỗ lực tập thể".

"Chiến lược về biến đổi khí hậu sẽ định hướng cho FAO trong việc hỗ trợ tăng cường cho các thành viên trong tham vọng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong các hệ thống nông sản và thực hiện Thỏa thuận Paris" – ông Khuất Đông Ngọc nói.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc FAO cũng tin tưởng rằng, chiến lược về khoa học và đổi mới sẽ mang lại lợi ích cho hàng tỷ người sản xuất quy mô nhỏ và gia đình của họ, vốn là những người đang cần đến khoa học, công nghệ và đổi mới tốt nhất sẵn có để đóng góp vào việc chuyển đổi hệ thống nông sản./.