PV: Trong thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo ông, những yếu tố nào đã mang lại những kết quả đó?

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả đấu tranh chống buôn lậu
Ông Lê Thanh Hải

Ông Lê Thanh Hải: Trước tiên và quan trọng nhất là sự chủ động. Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên; chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, chuyên đề. Nhờ chủ động, nhiều vụ việc vi phạm đã được các đơn vị, địa phương phát hiện, xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp theo đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, nhất là các lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường, cảnh sát biển, thuế... được duy trì thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả hơn; thông qua trao đổi, chia sẻ thông tin, các đơn vị đã phối hợp phát hiện, đấu tranh, xử lý nhiều chuyên án, vụ án, vụ việc lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả cũng là một yếu tố. Việc tuyên truyền tốt đã lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, công tác thi đua khen thưởng thường xuyên, đột xuất của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, của các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân được khen thưởng đồng thời tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức thi đua, phấn đấu thực hiện tốt hơn.

PV: Các lực lượng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải đối diện với những khó khăn, thách thức như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Khó khăn đầu tiên chính là điều kiện khách quan. Ví như thời tiết, khí hậu, đặc điểm địa hình vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng biển, sử dụng môi trường thương mại điện tử, trang thiết bị, công nghệ hiện đại... Đây là những yếu tố được các đối tượng lợi dụng; thường xuyên thay đổi quy luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động để tránh bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo... đâu đó vẫn còn hạn chế. Các quy định pháp luật liên quan công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Vụ việc 600kg ngà voi châu Phi nhập khẩu trái phép bị lực lượng chức năng tại Hải Phòng bắt giữ đầu tháng 2 vừa qua. Ảnh: TCHQ
Vụ việc 600kg ngà voi châu Phi nhập khẩu trái phép bị lực lượng chức năng tại Hải Phòng bắt giữ đầu tháng 2 vừa qua. Ảnh: TCHQ

Tại một số thời điểm, ở một số nơi, công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các ngành, các lực lượng, các cấp còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả phối hợp còn hạn chế.

PV: Năm 2023, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn phức tạp. Các thủ đoạn lợi dụng sẽ ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ hiện đại để qua mắt lực lượng chức năng. Xin ông cho biết, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có những giải pháp gì để chỉ đạo các lực lượng đấu tranh hiệu quả?

Ông Lê Thanh Hải: Nhằm thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh trong năm nay, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, các đơn vị địa phương chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.

Các địa phương cũng kịp thời chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng, đơn vị các cấp; xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyên đề, cao điểm, các giải pháp tổ chức lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm.

Đặc biệt, đề cao và gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương các cấp với kết quả công tác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm phòng ngừa tiêu cực, kịp thời phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, pháp luật, tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

PV: Xin cảm ơn ông!