Gấp rút sửa quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Đường sắt đô thị là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới, ngân sách nhà nước đang phải trợ giá.

Phát sinh một số bất cập cần sửa đổi

Qua tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Nghị định số 46/2028/NĐ-CP (Nghị định 46) của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (TSKCHTĐS) quốc gia đã có nhiều khó khăn, bất cập nảy sinh.

Đơn cử như, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 46 chưa bao quát hết các loại TSKCHTĐS do Nhà nước đầu tư, quản lý hoặc chưa làm rõ chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với TSKCHTĐS đô thị; chưa làm rõ chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với TSKCHTĐS do đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý với TSKCHTĐS do đối tượng khác (thuộc các bộ, ngành khác ngoài Bộ Giao thông vận tải) quản lý, hoặc đã bán, chuyển nhượng, tính vào giá trị để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Sớm hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Phó trưởng ban soạn thảo nghị định cho biết, các ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định đều mang tính chất xây dựng và có chất lượng sẽ giúp Ban soạn thảo sớm hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ ban hành để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng TSKCHTĐS hiện nay. Tuy nhiên, cũng theo ông Thịnh, quy định hiện nay của Chính phủ không cho tách thành nhiều nghị định quy định về một vấn đề, do đó, ý kiến tách thành 2 nghị định như đa số các đại biểu tham gia là không khả thi.

Việc giao TSKCHTĐS quốc gia cho đối tượng quản lý cũng phát sinh bất cập. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, TSKCHTĐS quốc gia vẫn chưa giao được cho đối tượng quản lý theo quy định (Cục Đường sắt Việt Nam - cơ quan quản lý tài sản) theo hình thức tăng tài sản hoặc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo hình thức giao không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN)…

Ngoài ra, thủ tục giao TSKCHTĐS cho đối tượng quản lý còn chồng chéo và chưa rõ. Cụ thể, TSKCHTĐS được hình thành từ dự án sử dụng vốn nhà nước, được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì việc giao tài sản cho đối tượng quản lý, việc xử lý tài sản (giao, điều chuyển) thực hiện theo quy định về xử lý đối với tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân hay thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHTĐS…

Những khó khăn, bất cập nêu trên có nguyên nhân chủ quan từ công tác tổ chức thực hiện. Nhưng cũng có nguyên nhân từ nội tại các quy định tại Nghị định 46 chưa đầy đủ, chưa bao quát được các tình huống phát sinh trong thực tế do đây là lần đầu tiên có quy đinh chi tiết về việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Xây dựng các quy định sát với thực tế

Ảnh minh họa. (Nguồn: Nguyễn Thành/TTXVN)

Cho ý kiến về dự thảo Nghị định, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đường sắt quốc gia là loại hình vận tải có từ lâu đời, trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác đã có đánh giá các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và sửa đổi nhiều lần để phù hợp với thực tế áp dụng.

Đường sắt đô thị là loại hình vận tải mới, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN quản lý đường sắt đô thị cùng phải tích lũy kinh nghiệm để xây dựng các quy định sát với thực tế quản lý. Đồng thời, trong quá trình áp dụng phải được thường xuyên đánh giá hiệu quả để điều chỉnh, sửa đổi các quy định cho phù hợp.

Theo ý kiến của ông Trường, nếu ban hành nghị định chung sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đường sắt quốc gia hoặc ngược lại. “Do đó, Metro Hà Nội kiến nghị cần tách thành 2 nghị định quy định việc quản lý, sử dụng của từng loại tài sản này” - ông Trường nói.

Ngoài ra, ông Trường cũng kiến nghị nên bỏ Khoản 2 quy định về việc cho thuê quyền hạn khai thác TSKCHTĐS và Khoản 3 quy định về việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác TSKCHTĐS. Lý do được ông Trường đưa ra, đường sắt đô thị là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới, ngân sách nhà nước đang phải trợ giá. Trong giai đoạn đầu khai thác thương mại chưa thể có lợi nhuận, cần thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá và xây dựng khung pháp lý cho loại hình vận tải này. Vì vậy, chưa cần thiết đưa các khái niệm và các quy định cho đường sắt đô thị tại nghị định này.

Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh cũng cho biết, đơn vị thống nhất với việc bổ sung quy định đối tượng áp dụng của nghị định sửa đổi gồm DN được giao quản lý TSKCHTĐS là: DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao quản lý TSKCHTĐS quốc gia; DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do nhà nước nắm giữu 100% vốn điều lệ được giao quản lý TSKCHTĐS đô thị.

Chia sẻ về sự thống nhất này, ông Khánh cho biết, việc bổ sung này phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; phù hợp với quy định tại tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Lĩnh vực quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực do DN nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tổ chức hoạt động.

Ngoài ra, đa số các đơn vị đều đưa ra ý kiến thống nhất với quy định “Toàn bộ TSKCHTĐS quốc gia, đô thị được giao cho DN quản lý tài sản đường sắt quốc gia, đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại DN”. Theo ý kiến từ các đơn vị này, khác với luật chuyên ngành giao thông khác, Luật Đường sắt đã xác định cụ thể quyền, nghĩa vụ của chủ thể “DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt” với tư cách là chủ thể được giao quản lý tài sản (hoặc khi được cho thuê, hoặc khi được nhận chuyển nhượng) và hiện nay cũng chỉ có duy nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là DN nhà nước kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt…

Họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập để nhanh chóng hoàn thiện nghị định

Sáng ngày 28/3/2024, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, Phó trưởng Ban soạn thảo Nghị định đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHTĐS.

Ông Thịnh cho biết, bộ phận thường trực tiếp thu nội dung cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định trình Thứ trưởng Bộ Tài chính - Trưởng Ban soạn thảo ký xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, của Bộ Tài chính và Trang Thông tin về tài sản công vào tháng 4/2024.

Bộ phận thường trực tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến tham gia của bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập và ý kiến tại các Trang thông tin trình Trưởng Ban soạn thảo ký xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định vào tháng 5, tháng 6/2024.

Bộ phận thường trực tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; trên cơ sở đó tổ chức họp ban soạn thảo, tổ biên tập hoặc xin ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập về dự thảo Nghị định vào tháng 7/2024.

Bộ phận thường trực hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định xin ý kiến Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), trên cơ sở đó trình Trưởng Ban soạn thảo, lãnh đạo Bộ Tài chính ký trình Chính phủ vào tháng 8, tháng 9/2024.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ sớm hơn. “Tuy nhiên, việc sớm này hoàn toàn phụ thuộc vào các bộ và địa phương”, ông Thịnh nhấn mạnh.