Tien

Nhìn vào thực tế tăng trưởng của quý I cho thấy nếu không có gì đột biến, chúng ta khó đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, từ đó ảnh hưởng lớn đến cân đối NSNN và mức nợ công.

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề tác động của GDP trong điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách của năm.

PV: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2017 được đưa ra là 6,7% ; tuy nhiên, quý I tăng trưởng GDP mới đạt 5,1% là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Ông có băn khoăn gì về chỉ số tăng trưởng của quý I cũng như cả năm 2017 sẽ có tác động như thế nào tới tình hình thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công và kế hoạch tài chính trung hạn, thưa ông?

- Ông Võ Thành Hưng: Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, huy động vốn đầu tư và xuất nhập khẩu đạt khá, nhưng so với các chỉ tiêu kế hoạch đề ra thì còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một vấn đề lớn đặt ra hiện nay là tăng trưởng kinh tế quý I chỉ ước đạt 5,1%, thấp nhất so với cùng kỳ một số năm trở lại đây. Để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2017 ở mức 6,7%, thì bình quân 3 quý còn lại phải tăng trưởng đạt khoảng 7%. Nếu nhìn vào thực tế tăng trưởng của quý I và diễn biến các quý của một số năm trở lại đây thì thấy rằng, nếu không có gì đột biến, chúng ta khó đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, từ đó ảnh hưởng lớn đến cân đối NSNN và mức nợ công.

Chúng ta đều biết, thu ngân sách được ví như hàn thử biểu phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển nhanh thì thu ngân sách tăng nhanh và ngược lại. Dĩ nhiên, không thể coi nhẹ yếu tố quản lý thu, nhưng cơ bản nền tảng kinh tế vẫn là yếu tố quyết định đến số thu ngân sách. Trong khi đó, thực tế chi ngân sách vẫn được điều hành theo dự toán Quốc hội đã quyết định, thậm chí còn có thể phát sinh thêm, đặc biệt là chi an sinh xã hội.

Ông Võ Thành Hưng
Ông Võ Thành Hưng

Trước thực trạng nợ công thời gian qua tăng nhanh và đã sát ngưỡng giới hạn cho phép, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, chúng ta đã chấp nhận giảm mạnh tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2017 và cả một số năm tiếp theo để đảm bảo nợ công không vượt trần. Đây một bài toán cân đối khó khăn, bởi nhu cầu chi tiêu của các bộ ngành, địa phương vẫn rất lớn để triển khai các mục tiêu của nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhưng chúng ta phải chấp nhận bởi cân đối ngân sách là một trong những chỉ tiêu vĩ mô quan trọng nhất; an toàn tài chính nhà nước có giữ được thì mới ổn định vĩ mô để phát triển bền vững.

Vấn đề là chúng ta đang tính các chỉ số bội chi và nợ công trên một đại lượng giá trị GDP “kế hoạch”. Với năm 2017, kế hoạch giá trị này là 5,1 triệu tỷ đồng, được xây dựng trên cơ sở ước năm 2016 đạt khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7% cộng với yếu tố giá. Tuy nhiên, thực tế đến nay giá trị GDP năm 2016 ước chỉ đạt khoảng 4,5 triệu tỷ đồng và như ta đã nói, tăng trưởng kinh tế năm nay khó đạt mục tiêu 6,7%, kéo theo giá trị GDP “kế hoạch” năm 2017 cũng rất khó đạt mức 5,1 triệu tỷ đồng. Nếu giá trị này ở mức thấp hơn 5,1 triệu tỷ đồng, thì các chỉ số bội chi và nợ công so với GDP sẽ tăng lên. Mẫu số càng nhỏ thì phân số càng lớn. Năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp xảy ra vấn đề này. Đối với năm 2016, việc GDP không đạt kế hoạch làm cho tỷ lệ bội chi “đội” thêm xấp xỉ 0,7% GDP và nợ công tăng thêm trên 1,4% GDP, mặc dù số tuyệt đối bội chi không tăng so với dự toán Quốc hội đã quyết định.

Còn về việc chỉ tiêu tăng trưởng có tác động đến kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công hay không thì cần phải có đánh giá, dự báo đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên, nếu kinh tế có biến động lớn so với kế hoạch thì theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Chính phủ có thể trình Quốc hội cho phép điều chỉnh lại các kế hoạch về tài chính ngân sách.

PV: Có ý kiến cho rằng, trong cơ cấu chi ngân sách hiện nay chi cho đầu tư co lại chỉ bằng một nửa so với chi trả nợ, bằng 1/5 so với chi thường xuyên. Cơ cấu đó ảnh hưởng đến tăng trưởng cả về ngắn hạn và dài hạn, làm bất ổn kinh tế vĩ mô. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

- Ông Võ Thành Hưng: Thứ nhất, trên thực tế, trong bối cảnh NSNN khó khăn, nhưng chi cho đầu tư phát triển đã cải thiện đáng kể từ mức 20%, giờ lên đến trên 25% tổng chi ngân sách.

Ngay trong những năm vừa qua, khi cân đối ngân sách cực kỳ khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư ở mức bố trí trong dự toán giảm chỉ còn 18 - 19% tổng chi NSNN. Nhưng trong điều hành, được bổ sung thêm các nguồn dự phòng, tăng thu, kết dư và ứng chi hàng năm, nên thực tế vẫn chiếm khoảng 24- 25% tổng chi NSNN.

Do tỷ lệ tích luỹ cho đầu tư từ thu thường xuyên ở mức mỏng, nên nguồn dành cho chi đầu tư ngân sách vẫn chủ yếu từ đi vay. Bên cạnh phần vay cho chi đầu tư trong cân đối ngân sách, chúng ta còn vay thêm để chi cho chương trình đầu tư nguồn trái phiếu chính phủ (từ năm 2017 mới đưa các khoản vay này vào cân đối ngân sách), vay thêm để có nguồn đảm bảo cho các khoản ứng chi trong điều hành. Và đi vay thì phải trả nợ. Hay nói cách khác, chi trả nợ hiện nay là để thanh toán cho các khoản vay đầu tư trước đó.

Muốn thoát khỏi vòng xoáy này thì đầu tư phải dựa ngày càng nhiều hơn từ tích luỹ thu, ngày càng ít hơn từ các khoản đi vay.

Điều đó có nghĩa là phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi một phần lớn trong chi thường xuyên là dành chi cho con người, kể cả chi lương và các chính sách an sinh xã hội. Chi thường xuyên cũng gắn với các vấn đề về bộ máy tổ chức, biên chế, xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công,… mà chừng nào các vấn đề này chậm được xử lý thì cơ cấu ngân sách càng chậm được cải thiện.

Rất may là vừa qua, Bộ Chính trị và Quốc hội đã có nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu thay đổi cơ cấu ngân sách trong trung hạn, và thực tế năm 2017 chúng ta đã đi được một bước. Bên cạnh đó, cũng cần phải tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư, thu hút thêm các nguồn đầu tư ngoài Nhà nước.

PV: Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, không thể nói do cơ cấu chi đã khiến bội chi tăng cao, tăng trưởng không đạt chỉ tiêu. Vì theo nhìn nhận hàng năm NSNN vẫn tăng thu, chưa năm nào hụt thu. Điều này đặt ra câu hỏi, vậy tại sao tăng thu mà thâm hụt ngân sách vẫn luôn trầm trọng?

- Ông Võ Thành Hưng: Thu NSNN là dựa trên phát sinh theo quy định và thực tế phát sinh hoạt động kinh tế. Khi có phát sinh khoản thu, thì cơ quan thuế, hải quan phải thực hiện thu. Việc hàng năm thu ngân sách vượt dự toán một phần do sự phối hợp giữa các cấp ngành và địa phương trong việc dự báo các khoản thu, biến động cơ sở thu chưa tốt, chưa lường hết được tất cả các khoản thu. Bên cạnh đó, những năm qua thu ngân sách đạt và tăng còn do sự tích cực chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng lòng, đồng sức cùng vào cuộc của các cơ quan điều hành thu từ Trung ương đến địa phương.

Theo quy định của Hiến pháp và Luật NSNN, ta phân cấp ngân sách nguồn thu và nhiệm vụ chi cho 63 địa phương và phải thực hiện đúng các quy định này. Do đó thực tế có những năm chúng ta tăng thu lớn. Đơn cử như năm 2015, 2016 chúng ta tăng thu tới 3 - 4 tỷ USD (60 - 80 nghìn tỷ đồng), nhưng toàn bộ số tăng thu đó là từ phía các địa phương. Theo quy định, chúng ta không thể điều hòa ngân sách các địa phương với nhau, cũng như điều hoà giữa địa phương với Trung ương để từ đó giảm bội chi và nợ công.

Một thực tế nữa là khi làm dự toán thu, chi NSNN, tỷ lệ bội chi và nợ công tăng thêm rất nhiều do số vốn ngoài nhà nước hàng năm tăng lớn, và chúng ta vẫn phải chấp nhận đưa vốn này vào trong cân đối ngân sách. Trước đây, chúng ta cho giải ngân nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước theo tiến độ thực tế, ví dụ dự toán được chi 1, nhưng giải ngân tới 2 - 3. Do đó, khi quyết toán cộng phần vượt trội vào khiến bội chi tăng cao.

Vì vậy, đến nay cần phải siết chặt vấn đề này, tất nhiên trong quá trình làm sẽ có những điểm vướng phải xử lý dần dần.

PV: Một số ý kiến lại cho rằng, việc bố trí chi đầu tư ngân sách ở mức thấp làm ảnh hưởng động lực tăng trưởng của chúng ta. Theo ông, đâu là giải pháp để xử lý vấn đề này?

- Ông Võ Thành Hưng: Đúng là tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã và đang dựa nhiều vào đầu tư của khu vực nhà nước. Thực tế, đầu tư khu vực nhà nước luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư toàn xã hội, thường cao hơn so với của khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài và có những thời điểm trong giai đoạn những năm 2000 đã chiếm trên 50%, năm 2016 tuy giảm nhưng vẫn chiếm 36 - 37%. Nếu chỉ nhìn vào số liệu này thì có thể nói việc bố trí chi đầu tư ngân sách thấp ảnh hưởng lớn đến động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần phân tích kỹ vấn đề này trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và cơ cấu lại ngân sách và đầu tư công.

Theo tôi, trong điều kiện hạ tầng kinh tế còn lạc hậu và tiềm lực khu vực kinh tế tư nhân còn nhỏ, thì vẫn phải duy trì đầu tư công mức hợp lý. Song cũng không quá nhấn mạnh vai trò động lực chi tăng trưởng bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, chúng ta không thể tăng nhanh đầu tư từ ngân sách vì như đã nói, đầu tư từ ngân sách của chúng ta đang dựa chủ yếu vào nguồn vay bội chi và vì vẫn phải lấy ổn định vĩ mô, trong đó có ổn định các cân đối ngân sách làm trọng. Trong điều kiện như vậy, chúng ta sẽ điều chỉnh tỷ trọng chi đầu tư chủ yếu thông qua cơ cấu lại ngân sách, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên.

Thứ hai, việc tăng đầu tư khu vực nhà nước sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn đầu tư của các khu vực khác bởi nguyên tắc hữu hạn nguồn lực xã hội. Hơn nữa, hiệu quả đầu tư công thời gian qua được đánh giá kém hiệu quả hơn rất nhiều so với đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chỉ số ICOR của khu vực nhà nước lên tới 8,5 - 8,8, gấp khoảng 1,5 lần so với các khu vực còn lại. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta nâng được tỷ trọng chi đầu tư của các khu vực còn lại bằng cách duy trì quy mô ngân sách, trong đó có chi đầu tư ở mức hợp lý.

Thời gian qua, chính sách tài khoá, đặc biệt là chính sách thuế, đã đi theo hướng hỗ trợ tăng tích lũy cho doanh nghiệp, tức là kích thích đầu tư của doanh nghiệp bằng cách giảm nghĩa vụ thuế cho các doanh nghiệp. Có nghĩa là chúng ta chấp nhận thu ít hơn để dành thêm nguồn lực cho nền kinh tế tự phát triển, tự đầu tư. Đơn cử như thuế thu nhập doanh nghiệp, từ mức thu 32% đã giảm dần xuống nay còn 20%, và cơ bản cạnh tranh được chính sách thuế của các nước trong khu vực.

Thứ ba, trong một môi trường kinh tế hội nhập ngày càng cao thì chúng ta không chỉ trông chờ vào các nguồn lực trong nước, mà còn phải tìm mọi giải pháp để huy động thêm các nguồn vốn ngoài nước. Đến nay, khu vực FDI đang tỏ ra rất hiệu quả trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và gia tăng xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang (thực hiện)