Hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam
Sáng 21/10 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024) với chủ đề "Kiến tạo tương lai xanh”.
![]() |
Các đại biểu tham gia nghi thức khai mạc sự kiện. Ảnh: Hoàng Dương. |
Theo EuroCham, thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường quốc tế khác ngày càng khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn xanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn hơn bên cạnh các cơ hội, vì vậy sự kiện GEFE 2024 tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, bên cạnh nhiều phiên thảo luận quốc tế về những vấn đề phát triển bền vững và kinh tế xanh.
Một trong những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện càng sớm càng tốt trong bối cảnh các tiêu chuẩn xanh đang khắt khe hơn, là tăng cường ứng dụng truy xuất nguồn gốc bền vững ngay từ đầu để tạo "hộ chiếu xanh" cho sản phẩm xuất khẩu.
Theo EuroCham, qua 2 năm tổ chức, GEFE đã khẳng định vị thế là sự kiện hợp tác hàng đầu thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, là nền tảng để doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ, chia sẻ những sáng kiến tiên tiến trong lĩnh vực kinh tế xanh và phát triển bền vững như điện gió ngoài khơi, công nghệ sản xuất hydro, nuôi trồng thủy sản và khai thác khoáng sản dưới đáy biển, phù hợp và thực tế để áp dụng trong điều kiện địa lý, khí hậu Việt Nam. |
Bởi vì, điều này sẽ đáp ứng yêu cầu từ thị trường quốc tế như quy định truy xuất nguồn gốc của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với hàng xuất khẩu sang EU; hay tiêu chuẩn toàn cầu Global G.A.P yêu cầu nông sản đạt tiêu chí bền vững từ canh tác đến thu hoạch.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích hợp kiểm kê khí thải carbon (quốc tế có thuật ngữ chung là khí nhà kính GHG) vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. Việc thống kê liên quan đến GHG đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cho mục tiêu Net Zero (trung hòa carbon) vào năm 2050, và nhiều nước khác trên thế giới cũng đang hướng tới mục tiêu tương tự.
Điểm nhấn của sự kiện lần này là hơn 30 phiên thảo luận trải dài trên 10 chuyên đề xanh (Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; tài chính bền vững; khử carbon trong sản xuất thương mại; xây dựng & công trình xanh; kinh tế tuần hoàn; giải pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nước; thực phẩm & nông nghiệp bền vững; …) và một phiên khai mạc cấp cao. Các phiên hội thảo luận bàn về những chủ đề xanh mới nổi tại Việt Nam và tiếp cận chính sách, tiêu chuẩn với thị trường EU, đại diện EuroCham thông tin.
Doanh nghiệp nắm bắt xu thế toàn cầu
Tại sự kiện, ngoài các khu gian hàng đến từ nhiều nước châu Âu thì khu gian hàng Việt Nam với sự tham gia của 24 doanh nghiệp đa ngành đã giới thiệu, trưng bày các công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp.
![]() |
Giám đốc công ty TNHH Maries giới thiệu các sản phẩm của công ty tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Dương. |
Bà Hồ Thị Sương Lan – Giám đốc công ty TNHH Maries cho biết, Maries sản xuất và quảng bá các sản phẩm thời trang handmade, đáp ứng xu hướng hiện nay, dựa trên các kỹ năng thủ công truyền thống, kết nối những ngành nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm với nhau – là nơi có những nghệ nhân, nông dân là phụ nữ đã gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ tại Huế.
Với các sản phẩm chủ đạo gồm túi xách, nón, mũ, ví,…. được làm với một quy trình khép kín từ cây cỏ bàng tại làng Phò Trạch của tỉnh Thừa Thiên Huế kết hợp với đường nét vẽ tinh xảo của những người thợ lành nghề, công ty muốn lan tỏa, truyền tải thông điệp mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam với bạn bè thế giới.
“Ngoài nguyên liệu sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường, công ty cũng giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều bà con tại địa phương, qua sự kiện công ty cũng muốn kết nối với các đơn vị khác để tạo chuỗi kinh tế xanh, tuần hoàn theo xu thế kinh tế bền vững hiện nay” – đại diện Maries thông tin.
![]() |
Mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn của một đơn vị tham gia sự kiện thu thút khách tham quan. Ảnh: Hoàng Dương. |
Ông Phạm Văn Thiều - khách tham quan tại sự kiện cho hay, với việc Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cho mục tiêu Net Zero (trung hòa carbon) vào năm 2050, ngoài các chính sách, cơ chế,…. thì cần tổ chức nhiều hơn những sự kiện như GEFE 2024 này để cộng đồng và doanh nghiệp có thêm sự giao lưu, kết nối, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc trung hòa carbon, phát triển bền vững cho tương lai sau này.
Còn bà Lê Thị Nguyệt Viên – quản lý dự án, Công ty TNHH năng lượng CAS cũng cho rằng, GEFE 2024 không chỉ là sự kiện mang tầm quốc gia mà đang vươn tầm khu vực, tạo ra không gian cho việc chia sẻ kiến thức, giúp các bên liên quan hợp tác chặt chẽ hơn trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh, sự kiện còn mang đến nhiều cơ hội phát triển, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
“Hiện tại, ngoài việc đang phát triển điện mặt trời áp mái kết hợp với nông nghiệp bền vững, công ty cũng đang tìm kiếm đối tác để cùng phát triển những mô hình kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị bền vững sau này” - đại diện Công ty TNHH năng lượng CAS thông tin thêm.
Sự kiện diễn ra trong 3 ngày từ 21/10 đến 23/10 tại Thiso Mall Sala (số 10, đường Mai Chí Thọ, TP. Thủ Đức, TP.HCM). Đây là cơ hội rất tốt để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, sự kiện cũng thu hút hơn 200 gian hàng triển lãm các sản phẩm, sáng kiến, công nghệ liên quan đến phát triển bền vững. 13 trong số này là quốc gia đã ghi nhận nhiều thành tựu trong chuyển đổi xanh như Anh, Na Uy, Thụy Sĩ. 30 không gian dành cho sáng kiến xanh nội địa. Riêng Hà Lan - quốc gia tiên phong trong chuyển đổi kinh tế tuần hoàn - có đến 50 gian hàng giới thiệu công nghệ xanh và năng lượng tái tạo mới. |