Giá dầu lao dốc do lo ngại chiến tranh thương mại toàn cầu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, giá dầu Brent lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 65 USD/thùng kể từ tháng 4/2021. Ảnh minh họa

Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp gần 4 năm

Giá dầu thế giới ngày 8/4 phục hồi nhẹ sau đợt bán tháo mạnh trong các phiên gần đây, trong bối cảnh thị trường lo ngại về thuế quan của Hoa Kỳ có thể làm giảm nhu cầu và dẫn đến suy thoái toàn cầu. Ghi nhận đầu giờ sáng ngày 8/4/2025 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 61,54 USD/thùng, tăng 0,84 USD/thùng (tương đương 1,38%) trong phiên. Giá dầu Brent giao dịch ở mức 64,91 USD/thùng, tăng 0,72 USD/thùng (tương đương 1,12%) trong phiên.

Giá xăng dầu trong nước giảm theo đà của giá dầu thế giới

Phó Tổng Giám đốc MXV Nguyễn Đức Dũng dự báo, giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng theo xu hướng giảm dần về cuối năm. Cho nên, giá mặt hàng xăng dầu hiện đang duy trì ở mức ổn định và giảm theo đà của giá dầu thế giới.

Giá dầu phục hồi không đáng kể sau khi có thông tin cho rằng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang xem xét tạm dừng áp thuế 90 ngày. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng đã nhanh chóng phủ nhận thông tin này, khiến giá dầu thô quay đầu giảm.

Tính chung đến đầu giờ sáng ngày 8/4/2025, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm. Trước đó, ngày 4/4, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 34% lên hàng hóa Hoa Kỳ để trả đũa các biện pháp thuế quan mới nhất của ông Trump, làm gia tăng nỗi lo của các nhà đầu tư về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đã bắt đầu.

Đáp lại, Tổng thống Trump cảnh báo Hoa Kỳ sẽ áp thêm thuế 50% đối với Trung Quốc nếu Trung Quốc không rút lại thuế quan trả đũa, đồng thời tuyên bố "tất cả các cuộc đàm phán với Trung Quốc liên quan đến các cuộc họp mà họ yêu cầu với Hoa Kỳ sẽ bị chấm dứt".

Còn ngày 6/4, Saudi Arabia đã công bố cắt giảm mạnh giá bán dầu thô cho các khách hàng châu Á, đưa giá tháng 5/2025 xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. Điều này cho thấy Saudi Arabia, cũng như các nước khác đều dự đoán cán cân cung cầu sẽ bị ảnh hưởng và nước này buộc phải cắt giảm giá bán chính thức (OSP).

Thêm vào đó, Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng. Nhóm này hiện đặt mục tiêu đưa thêm 411.000 thùng/ngày ra thị trường vào tháng 5/2025, tăng so với kế hoạch 135.000 thùng/ngày trước đó.

Trong cuộc họp cuối tuần qua, các bộ trưởng OPEC+ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ đầy đủ các mục tiêu sản lượng dầu và yêu cầu các quốc gia sản xuất vượt mức phải đệ trình kế hoạch bù đắp sản lượng trước ngày 15/4.

Chính sách thuế quan, thương mại ảnh hưởng mạnh đến giá dầu

Đánh giá thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước hình thành xu hướng giảm ngày càng rõ nét kể từ ngày 20/1, giá mặt hàng này đã nhanh chóng quay đầu giảm khi ông Donald Trump chính thức quay lại Nhà Trắng.

Đặc biệt, tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 3 tại Davos (Thụy Sỹ) sau khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố sẽ yêu cầu Saudi Arabia và OPEC giảm giá, giá dầu thiết lập xu hướng giảm. Theo ghi nhận của MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, giá dầu Brent lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 65 USD/thùng kể từ tháng 4/2021.

Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng bác bỏ các tin đồn về việc tạm ngưng kế hoạch áp thuế đối ứng lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ , kể cả từ những nước không có kế hoạch đáp trả và có mong muốn ngồi vào bàn đàm phán với nước này. Tình hình này khiến các nhà đầu tư càng thêm bi quan về viễn cảnh giảm phát kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu dầu trong tương lai, làm giá dầu giảm sâu.

Ngoài ra, việc Saudi Arabia giảm giá dầu thô bán cho thị trường Châu Á được nhận định là do các dự đoán nói trên về nhu cầu dầu sụt giảm đi kèm với số liệu về lượng dầu thô nhập khẩu vào các thị trường Châu Á trong quý I thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 27,08 triệu thùng xuống 26,44 triệu thùng. Giá dầu thô tại Nga cũng đã rơi xuống mốc thấp nhất kể từ năm 2023.

Nhìn chung, các chính sách thuế quan, thương mại khó đoán của Tổng thống Donald Trump đã và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến diễn biến giá dầu thế giới.

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, sức ép về chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã tác động lên tâm lý của thị trường và tạo sức ép lớn lên giá dầu. Các chính sách đang thể hiện rõ ràng nỗ lực này, như ban hành đạo luật an ninh năng lượng để thúc đẩy sản xuất dầu mỏ trong nước, xúc tiến đàm phán với Nga về cuộc chiến Nga - Ukraine, duy trì sự ổn định ở Trung Đông...

Về nguồn cầu, nền kinh tế yếu của Trung Quốc và nguy cơ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc làm suy yếu nền kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu dầu. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới đang chuyển hướng thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh, khiến nhu cầu dầu càng thêm yếu.

Còn theo ông Satoru Yoshida - nhà phân tích hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư Rakuten Securities, động lực chính của đợt sụt giảm là lo ngại thuế quan sẽ làm suy yếu kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, kế hoạch tăng sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) cũng đang góp phần tăng áp lực bán ra.

“Các biện pháp thuế quan trả đũa từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ là yếu tố chính cần theo dõi trong giai đoạn tiếp theo. Dự đoán, giá dầu WTI có thể giảm xuống mức 55 USD, thậm chí 50 USD/thùng nếu thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống” - ông Yoshida nhận định./.