Một cơ sở khai thác dầu tại Trainer

Một cơ sở khai thác dầu tại Trainer, Pennsylvania, Mỹ.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,63 USD, hay 2,3%, lên 72,70 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,32 USD, hay 2% và đóng phiên ở mức 68,74 USD/thùng. Đây là mức giá đóng phiên cao nhất kể từ ngày 2/8 đối với dầu Brent và ngày 12/8 đối với dầu WTI.

Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty cung cấp dữ liệu tiền tệ và giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ), cho biết các nhà giao dịch năng lượng đang đẩy giá lên cao trước đồn đoán về khả năng gián đoạn trong hoạt động sản xuất dầu ở Vịnh Mexico.

Bên cạnh đó, ông Moya cho rằng giá dầu cũng tăng lên khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể chưa vội nâng sản lượng trước tác động của biến thể Delta đối với nhu cầu năng lượng.

Các nhà sản xuất dầu ngày 27/8 đã ngừng hoạt động sản xuất chiếm 59% sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico, khi một cơn bão lớn đang tiến về phía các mỏ dầu ở ngoài khơi của Mỹ.

Giá dầu cũng được hỗ trợ khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần qua so với giỏ các đồng tiền chủ chốt sau các bình luận gần đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, ông Powell đã một lần nữa nhấn mạnh quan điểm rằng sự gia tăng lạm phát trong thời gian gần đây chỉ mang tính chất tạm thời. Quan chức này cũng không đưa ra thông điệp rõ ràng về thời điểm Fed sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản, mà chỉ nói việc này có thể diễn ra “trong năm nay”.

Tính chung cả tuần, với bốn phiên tăng giá và chỉ duy nhất một phiên giảm, giá dầu Brent tăng hơn 11%, còn giá dầu WTI tăng hơn 10% trong tuần qua. Đây đều là các mức tăng cả tuần lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm của cả hai loại dầu trên kể từ tháng 6/2020.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, dầu Brent và WTI bước vào tuần giao dịch mới với mức tăng đáng kể lần lượt là 5,5% và 5,6%, sau khi giảm tương ứng 7,7% và 8,9% trong tuần trước, các mức giảm theo tuần mạnh nhất trong gần 10 tháng.

Giá dầu tiếp tục kéo dài đà tăng này sang phiên 24/8 với mức tăng khoảng 3%, sau khi sản lượng dầu thô của Mexico giảm mạnh do một vụ nổ giàn khoan ngoài khơi và Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hoàn toàn cho vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Phiên 25/8 tiếp tục chứng khiến mức tăng hơn 1% của giá dầu, sau số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu năng lượng tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 26/8, giá dầu thế giới đã khép lại chuỗi ba phiên khởi sắc liên tiếp trước những lo ngại về nhu cầu do số ca mắc COVID-19 gia tăng và Mexico đã phục hồi phần nào sản lượng sau khi vụ cháy giàn khoan dầu ngoài khơi gần đây làm gián đoạn nguồn cung.

Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến cuộc họp ngày 1/9 của OPEC+, nhằm thảo luận kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong nhiều tháng tới.

Theo TTXVN