Gia Lai: Tận dụng cơ hội, tạo đột phá xuất khẩu hàng nông sản
Dây chuyền chế biến chanh dây xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Giao (DOVECO) Gia Lai. Ảnh: Gia Cư

Nhiều cơ hội thuận lợi

Nằm trong nhóm doanh nghiệp đạt tăng trưởng xuất khẩu cao, từ đầu năm đến nay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đồng Giao (DOVECO) Chi nhánh Gia Lai đã xuất trên 15.000 tấn sản phẩm từ chanh leo, dứa, xoài, đậu tương rau, ngô ngọt đi thị trường Mỹ và châu Âu, đạt kim ngạch 40 triệu USD, vượt 126% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đinh Gia Nghĩa - Giám đốc chi nhánh Gia Lai cho biết, có được kết quả này ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, còn nhờ việc chính phủ kiểm soát dịch Covid-19, được chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao.

“Ngay sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã chủ động khôi phục sản xuất. Hiện tại, doanh nghiệp tập trung đầu tư nhiều vào công nghệ, đặc biệt công nghệ chế biến sâu, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm để tiến sâu vào thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu. Doanh nghiệp đã hợp tác với nông dân để đảm bảo vùng nguyên liệu phát triển ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ cho nhà máy giữ được tiến độ sản xuất" - ông Nghĩa chia sẻ.

Cùng đạt doanh số cao trong top đầu xuất khẩu nông sản tại Gia Lai, ông Lê Hoàng Linh - Phụ trách dự án trang trại chuối Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, đã xuất khẩu được gần 9.000 tấn chuối, kim ngạch 9 triệu USD, tất cả đều xuất khẩu chính ngạch.

Theo ông Linh, để phục vụ mục tiêu xuất chính ngạch sản phẩm chuối, ngay từ bước đầu tiên, đơn vị đã làm thủ tục đăng ký mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Nhờ vậy, khi chuối được thu hoạch, hoạt động xuất khẩu cũng rất thuận lợi.

Nhờ xuất khẩu suôn sẻ, công ty đã tạo việc làm cho khoảng 800 công nhân, trong đó có 80% là người dân tộc thiểu số tại xã Trang và xã Hneng, huyện Đăk Đoa, với lương bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

“Từ lúc chuối được trồng doanh nghiệp đã đăng ký mã vùng trồng, sau đó tự đóng gói và xuất khẩu. Lợi ích là sản phẩm khi được cấp mã vùng trồng sẽ có quyền xuất khẩu sang nước bạn, không phải qua đầu mối trung gian nào giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Mục tiêu của công ty tới đây sẽ mở rộng thị trường mới nhưng chú trọng vào sản phẩm, tránh rủi ro trong kinh doanh" - ông Linh cho biết.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, những kết quả xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện chính sách đúng đắn trong thu hút đầu tư của tỉnh. Đây cũng là tiền đề thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tăng tốc phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giúp Gia Lai đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội của cả năm 2022.

Chủ động đăng ký mã vùng

Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, xuất khẩu nông sản tại tỉnh đang có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh hiện có trên 30 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi 40 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu chiếm khoảng 40%.

Bên cạnh các doanh nghiệp cà phê, cao su, hồ tiêu, chanh leo, đã có bề dày kinh nghiệm, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới thành lập nhưng đã đạt kết quả ấn tượng nhờ cách làm bài bản.

Các doanh nghiệp này đã đăng ký 55 mã vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói các sản phẩm từ chuối, mít, thanh long đi các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo ông Binh, thời gian tới, ngành Công thương Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đồng hành với doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản tại địa phương.

“Trong hoạt động quản lý nhà nước, Sở Công thương liên tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), để có thông tin thị trường mà các doanh nghiệp Gia Lai có khả năng đáp ứng để tiếp cận. Với doanh nghiệp luôn đồng hành với sở để giữ thị trường và mở rộng thị trường.

Đầu năm vừa qua, tỉnh Gia Lai cũng tổ chức gặp gỡ các đại sứ quán, lãnh sự quán, gặp gỡ Việt - Nhật, gặp gỡ Việt - Hàn, mở rộng hướng mới cho hoạt động xuất khẩu của Gia Lai trong thời gian tới” - ông Binh cho biết.

Hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp hàng năm tại tỉnh Gia Lai đạt khoảng 32.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% trong tổng giá trị 49.000 tỷ đồng của toàn ngành kinh tế tại địa phương. Vì vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao đời sống của người dân./.