Giá lợn hơi thời điểm gần Tết Nguyên đán mới nhích tăng trở lại
Giá lợn hơi thời điểm gần Tết Nguyên đán mới nhích tăng trở lại. Ảnh: TL

Giá giảm mạnh, khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng

Thông thường cuối năm bước vào cao điểm tiêu thụ thịt lợn, kéo giá tăng mạnh. Tuy nhiên, năm nay lại đối lập khi giá giảm mạnh vẫn khó tiêu thụ, khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng.

Theo khảo sát, giá lợn hơi trên đà giảm kéo dài, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, giá cũng dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg. Tính chung từ đầu quý IV/2023 đến nay, giá lợn hơi không cải thiện, thậm chí còn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Giá lợn hơi miền Bắc dao động từ 49.000 - 51.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Trung, miền Nam khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg.

Đơn cử, trang trại của ông Nguyễn Cảnh Ngọc (ở Thạch Thất, Hà Nội) có khoảng 200 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng nhưng do giá lợn hơi liên tục giảm sâu, ông Ngọc đã bán trước 40 con với mức giá 50.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận, thông thường thời điểm này các cơ sở tăng nhập lợn chăn nuôi phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nên giá thường tăng. Tuy nhiên, năm nay nghịch lý ở chỗ giá liên tục giảm mạnh.

Từ nay đến cuối năm, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có lợn hơi, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, nhập lậu sản phẩm động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá lợn thịt liên tục giảm trong thời gian gần đây là dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Nhiều địa phương đã trên 20 ngày không phát hiện lợn bệnh mới lại phát hiện thêm lợn bệnh và những ổ dịch mới với tốc độ lây lan nhanh hơn.

Chính những diễn biến bất ngờ và khó kiểm soát của dịch tả lợn châu Phi, đã khiến cho giá lợn thịt những ngày qua liên tục lao dốc. Cụ thể ở Bắc Ninh có tới 95 xã/phường phát hiện dịch tả lợn châu Phi, Hà Nam 6/6 huyện đều bị dịch, phát hiện thêm ổ dịch ở TP. Cao Bằng và mới nhất là TP. Móng Cái - Quảng Ninh cũng đã công bố dịch.

Bên cạnh đó, do nguồn cung tăng mà sức tiêu thụ trên thị trường lại chậm nên đã kéo giá bán lợn hơi giảm khá mạnh. Cụ thể, trong tháng 11, giá lợn hơi đã giảm 5,34% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,79% so với tháng trước đó. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, ở mức giá này, đa phần người chăn nuôi chịu thua lỗ, cộng thêm dịch tả lợn châu Phi và rủi ro giá cả nên sau khi bán lợn, nhiều người chăn nuôi đã treo chuồng, không dám tái đàn.

Giá lợn hơi thời điểm gần Tết Nguyên đán mới nhích tăng trở lại
Cuối năm, giá sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng nhưng chắc chắn là tăng nhẹ, không tăng đột biến như mọi năm. Ảnh: TL

Mức tăng sẽ không cao do kinh tế khó khăn

Nhận định về giá lợn hơi trong thời gian tới, nhiều đơn vị chăn nuôi dự đoán sức mua thấp cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ còn kéo giá lợn trong nước đứng ở mức thấp đến hết năm 2023, có thể đến thời điểm gần Tết Nguyên đán mới nhích tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao như mọi năm do nhu cầu của người tiêu dùng năm nay sẽ ít đi vì kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân không cao.

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, những tháng cuối năm, khi nhu cầu tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng nhưng chắc chắn là tăng nhẹ, không tăng đột biến như mọi năm.

Về nguồn cung, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, với số lượng đàn như hiện nay và nếu phát triển ổn định, không có đột biến về dịch xảy ra thì chắc là đáp ứng đủ cho nhu cầu ngày Tết.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt lợn và các mặt hàng nông sản thực phẩm tổ chức tái đàn thận trọng, không găm hàng, thổi giá. Doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng thường xuyên, liên tục tại các điểm bán hàng. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng chủ động nắm nguồn cung sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất để chủ động có phương án phân phối ra thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Công thương và các địa phương, tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá, theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.