Người nghèo (được cấp sổ hộ nghèo) khi khám, chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí. Ảnh: T.L

Chất lượng phải tăng khi tăng viện phí

Hà Nội là địa phương gần cuối cùng điều chỉnh giá viện phí (chỉ trước thành phố Hồ Chí Minh) và trong số 2.184 giá dịch vụ khám, chữa bệnh mà các bệnh viện công lập tăng lần này thì có 712 giá dịch vụ tăng, 8 giá dịch vụ giảm, 1.365 giá dịch vụ giữ nguyên và 99 giá dịch vụ mới. Các mức điều chỉnh tương đương 70% mức trần dịch vụ tại khung giá viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định.

Cụ thể, mức giá khám bệnh tại bệnh viện (BV) hạng 1 là 17.000 đồng/lần, hạng 2 là 12.000 đồng/lần. Giá một ngày giường bệnh đối với điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng 1, 2 là 300.000 đồng/ngày. Giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 113.000 đồng tại BV hạng 1, 75.000 đồng tại BV hạng 2 và 52.000 đồng tại BV hạng 3. Với trường hợp nằm ghép 2 người/giường, chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người/giường trở lên chỉ được thu tối đa 30%/người...

Giá giường bệnh nội khoa, ngoại khoa cũng tăng mạnh lên mức cao nhất là 108.000 đồng/ngày (đối với các giá giường bệnh ngoại khoa bỏng, trường hợp sau phẫu thuật đặc biệt như bỏng độ 3 - 4 trên 70% diện tích cơ thể, chưa tính điều hòa).

Các chi phí chụp chiếu, xét nghiệm, siêu âm cũng tăng lên mốc mới: Chụp CT-Scanner (không thuốc cản quang) giá 500.000 đồng/lần và 870.000 đồng/lần nếu có thuốc cản quang, nội soi ổ bụng giá 460.000 đồng/lần, …

Với mức giá như vậy, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh dịch vụ y tế lần này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi người bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Giá viện phí điều chỉnh lần này cũng mới chỉ tính đúng chứ chưa thể tính đủ các chi phí thực tế. Nếu trước đây, các bệnh viện công của Hà Nội đều phải bù lỗ do giá viện phí quá thấp thì sau khi áp dụng giá viện phí mới, các cơ sở y tế sẽ bớt khó khăn hơn.

Theo tính toán của UBND Thành phố, với mức tăng dịch vụ viện phí như trên sẽ không có tác động thay đổi khả năng tiếp cận như có hay không đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế công đối với người dân.

Bà Liên cũng cho biết thêm, để đáp ứng quyền lợi cho người bệnh khi tăng giá viện phí, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế được phép áp dụng giá điều chỉnh phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang thiết bị điều hòa, máy vi tính, các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa… cho các phòng khám, buồng khám và 15% đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa trang bị cho các buồng bệnh để thực hiện theo quy định hiện hành.

Chia sẻ về việc viện phí tăng có ảnh hưởng đến túi tiền của người bệnh, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.Hà Nội cho rằng, dù viện phí tăng nhưng sẽ đưa lại nhiều lợi ích cho người nghèo, trẻ em và các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám, chữa bệnh khi chất lượng dịch vụ tăng sẽ được cải thiện và người bệnh cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Bà Thùy cho biết, hiện TP có 70% người dân thuộc đối tượng chính sách có thẻ BHYT nên việc tăng viện phí chỉ tạo áp lực với 30% còn lại, nhưng đây là những người có điều kiện kinh tế nên họ không mua BHYT mà khám, chữa bệnh bên ngoài.

Bảo hiểm y tế – “Phao cứu sinh” cho người nghèo khi viện phí tăng

Đối với các bệnh viện, hầu hết quan điểm cho rằng tăng viện phí lần này là phù hợp để tránh việc ngân sách phải bù cho các bệnh viện quá lớn. Nhưng đối với người dân, việc tăng viện phí là một “cú sốc” không nhỏ, nhất là với người nghèo và người không có BHYT.

Tại nhiều bệnh viện, không ít người dân lo lắng trước thông tin giá viện phí sẽ tăng. Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, viện phí mới không ảnh hưởng đến những người có thẻ BHYT và được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Với những người có BHYT và phải cùng chi trả 20% (chiếm phần lớn số người tham gia BHYT hiện tại), thì chi phí tăng thêm cho mỗi lần khám, chữa bệnh cũng không đáng lo ngại.

Riêng với người nghèo (được cấp sổ hộ nghèo) thì khi khám, chữa bệnh đã được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí. Đồng thời, Nhà nước cũng đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo là 95%, cận nghèo 70%. Do vậy, gánh nặng viện phí tăng của Hà Nội lần này chủ yếu ảnh hưởng đến những người có thu nhập ở mức “trên nghèo” và chưa tham gia BHYT.

Như vậy, có thể nói, bảo hiểm y tế là "phao cứu sinh" cho bệnh nhân nghèo khi điều chỉnh giá viện phí. Thế nhưng, trên thực tế, việc triển khai bảo hiểm y tế cho người nông dân vẫn đang gặp khó khăn. Hiện nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi... nhưng tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm y tế còn rất thấp. Nên chăng cần có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng này, đồng thời tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân để giảm bớt khó khăn cho người nghèo khi khám, chữa bệnh và giảm bớt khó khăn cho cả các cơ sở y tế.

Thực tế cho thấy, để tự “cứu” mình khi giá viện phí tăng, những người không thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc nên mua BHYT tự nguyện, để được chi trả phần lớn viện phí khi ốm đau. Việc tham gia BHYT tự nguyện cũng là thực hiện lộ trình bảo hiểm toàn dân theo chủ trương của Nhà nước. Khi hầu hết người dân đã tham gia BHYT thì viện phí tăng sẽ không còn là vấn đề người dân phải băn khoăn./.

Đ.T (Theo dangcongsan.vn)