Giấc mơ thị trường mới nổi đã tắt?

Ảnh: Forbes

Kể từ cuối năm 2013, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định thắt van chương trình mua trái phiếu kích thích kinh tế, các nền kinh tế mới nổi đã rơi vào tình trạng lao đao. Một vài nền kinh tế đang chật vật với việc đồng tiền mất giá và thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng, đặc biệt là Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tồi tệ hơn là sự sụp đổ của hàng hóa cơ bản cùng với nỗi sợ từ sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang đè nặng lên các nền kinh tế này, mặc dù một vài trong số đó đã bắt đầu lấy lại được đà phục hồi như Ấn Độ và Indonesia nhờ vào nỗ lực cải cách kinh tế và chính trị.

Chỉ số MSCI về các thị trường mới nổi đã tăng 1,1% trong năm nay sau một sự khởi đầu khá chật vật. Đầu năm vừa qua, chứng khoán Trung Quốc đỏ sàn do số liệu sản xuất đầy thất vọng cùng với động thái bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ và việc áp dụng cơ chế “ngắt mạch tự động” trên thị trường chứng khoán.

Kể từ năm 2011, thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi đã trên đà giảm điểm, do giá trị và niềm tin thị trường cũng lao dốc theo cùng các số liệu kinh tế không mấy sáng sủa, Patrick Cadell, giám đốc của quỹ Liontrust Global Fund cho biết.

Điều kiện ở một vài thị trường còn đang rất bất lợi đối với phục hồi, theo Patrick.

Lev Riaz, một chuyên gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Flint Capital cho biết các quốc gia bao gồm Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil có thể sẽ phải đối mặt với những áp lực mới trong quá trình tăng trưởng kinh tế do nhà đầu tư sẽ hướng sự tập trung vào các nhân tố cơ bản.

Để thị trường chứng khoán có thể phục hồi, niềm tin và kỳ vọng vào các thị trường mới nổi cần phải được củng cố, Emily Whiting, nhà quản lý đầu tư của JPMorgan Asset Management cho biết.

Các nền kinh tế phát triển có thể sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại trong năm tới hoặc có thể lâu hơn, do đó, các nền kinh tế mới nổi cần phải lấy lại động lực.

Việc Fed có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 tới vẫn chỉ là suy đoán và điều này sẽ gây tác động đối với đồng USD và các loại tài sản khác. Thêm nữa, tăng lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác cũng sẽ hút đầu tư quay trở lại thị trường phát triển.

Trong ngắn hạn, diễn biễn thị trường sẽ phục hồi nhiều vào đông USD, Whiting cho biết.

Trong khi đó, giá dầu đã phục hồi nhẹ, hiện đang dao động quanh mức 50 USD/thùng. Giá dầu tăng có thể sẽ trở thành những rủi ro đáng ngại đối với những quốc gia nhập khẩu mặt hàng này như Ấn Độ - nền kinh tế mới nổi chính hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất./.

Mai Linh (Theo CNBC)