xe o to

Việc quản lý, sử dụng xe công tới đây sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn, góp phần giảm chi NSNN.

Để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) có hiệu lực từ 1/1/2018, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, trong đó đã đưa ra hình thức khoán bắt buộc. Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã trao đổi với bà Tạ Thanh Tú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.

PV: Bộ Tài chính vừa xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công. Xin bà cho biết những nội dung cơ bản của dự thảo?

ba tu

Bà Tạ Thanh Tú

Bà Tạ Thanh Tú: Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô đang được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và địa phương. Ngoài việc tiếp tục điều chỉnh định mức sử dụng xe theo định hướng đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung của các bộ, ngành, địa phương còn có những điểm nổi bật cụ thể khác như: Thực hiện quản lý đầu xe theo phương thức tập trung, giao cho một đơn vị quản lý để bố trí sử dụng đúng tiêu chuẩn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác được thực hiện theo một trong ba hình thức: Trang bị xe ô tô, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thuê dịch vụ xe ô tô; quy định chặt chẽ hơn trong quản lý, sử dụng xe ô tô trên cơ sở không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là xe ô tô chuyên dùng để tránh bị lợi dụng; quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô bắt buộc đối với một số chức danh và cách xác định mức khoán phù hợp với thực tế của từng bộ, ngành, địa phương; quy định về xử lý xe ô tô dôi dư và sắp xếp đội ngũ lái xe dôi dư khi cắt giảm xe công.

PV: Điểm mới của dự thảo nghị định chính là việc thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe bắt buộc đối với công đoạn từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại cho các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên. Vậy đâu là cơ sở để Bộ Tài chính trình lên Chính phủ phương án này?

Bà Tạ Thanh Tú: Chủ trương khoán kinh phí sử dụng xe công đã được quy định từ năm 2007 nhưng áp dụng theo cơ chế tự nguyện dẫn đến việc thực hiện còn hạn chế. Bắt đầu từ tháng 10/2016, Bộ Tài chính tiên phong đi đầu thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe cho một số chức danh; tiếp đến là Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội... lần lượt thực hiện thí điểm. Kết quả bước đầu cho thấy, cơ chế này đã góp phần tiết kiệm chi ngân sách và được dư luận, nhân dân đồng tình.

Từ thực tiễn này, cùng với việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công nhằm giảm bớt đầu xe và để phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng xe và điều kiện hạ tầng giao thông của từng địa phương, dự thảo nghị định quy định các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên sẽ thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe bắt buộc, đối với công đoạn từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Đối với công đoạn đi công tác, các chức danh này được chọn một trong các phương án: bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe, thuê xe dịch vụ.

Quy định không bắt buộc khoán kinh phí sử dụng xe khi đi công tác đối với các chức danh này để bảo đảm không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

PV: Là cơ quan giúp Chính phủ xây dựng nghị định, theo bà, các quy định trong dự thảo đã thực sự chặt chẽ, đảm bảo việc quản lý, sử dụng xe công tới đây sẽ đi vào thực chất giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước (NSNN)?

Bà Tạ Thanh Tú: Bên cạnh những nội dung đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng xe ô tô, tại dự thảo đưa ra 2 phương án xác định mức khoán là khoán gọn kinh phí sử dụng xe ô tô và thanh toán theo thực tế. Đây chính là sự linh hoạt trong cơ chế, chính sách giúp cho các đơn vị sử dụng xe công căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị mình để chọn phương án áp dụng phù hợp.

Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả số xe công được trang bị (tránh tình trạng xe ô tô đã trang bị không sử dụng phải tốn chi phí để duy trì xe), nhưng vẫn phải thanh toán chi phí khoán, dự thảo nghị định quy định một số nguyên tắc cơ bản khoán kinh phí sử dụng xe như: Phải phù hợp với thực trạng quản lý, sử dụng xe, điều kiện thực tế tại các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và địa phương; tổng chi phí cho sử dụng xe (kinh phí khoán và kinh phí duy trì hoạt động của số xe đã được trang bị) không cao hơn chi phí sử dụng xe của năm trước liền kề (khi chưa áp dụng khoán); việc khoán kinh phí sử dụng xe phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả hơn việc trang bị xe theo tiêu chuẩn, định mức...

Với quy định tại dự thảo nghị định như trên, sẽ bảo đảm việc quản lý, sử dụng xe công tới đây thật sự hiệu quả, đúng mục đích, góp phần tiết kiệm cho NSNN.

PV: Thực hiện khoán kinh phí sẽ khiến số lượng xe công trên cả nước dôi dư rất nhiều, vậy hướng xử lý các xe dôi dư này thế nào, thưa bà?

Bà Tạ Thanh Tú: Dự thảo nghị định quy định: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe, các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, UBND cấp tỉnh xác định số lượng xe được trang bị, số lượng xe dôi dư chậm nhất sau 6 tháng và hoàn thành việc xử lý xe dôi dư theo quy định chậm nhất 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực.

Về số xe dôi dư sẽ điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc thay thế xe cũ; hoặc bán đấu giá theo quy định.

PV: Bà có thể đánh giá tác động của nghị định này đến việc quản lý, sử dụng xe công cũng như toàn xã hội?

Bà Tạ Thanh Tú: Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô sau khi được Chính phủ ban hành và có hiệu lực sẽ tác động rất nhiều đến việc quản lý, sử dụng xe ô tô công vì giảm được số lượng xe công, đổi mới phương thức quản lý (theo hướng tập trung), thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Như tôi vừa nói, việc quản lý, sử dụng xe công tới đây sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn, góp phần giảm chi NSNN.

Đổi mới cơ chế quản lý xe công theo hướng tiếp tục cắt giảm số lượng xe công, từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế xe công chuyển sang tiền tệ hóa, sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Thông qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn bà!

Vân Hà