Hoàn thiện dự án Nghị quyết của Quốc hội xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu Tổng cục Thuế làm việc với IMF về thuế tối thiểu toàn cầu Đề xuất áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Không ban hành nghị quyết là từ bỏ quyền đánh thuế

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đều nhất trí về việc ban hành Nghị quyết về áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế.

Việc áp dụng thuế TNDN bổ sung là một nội dung mới, khác với các quy định (về các mức thuế suất) trong Luật Thuế TNDN hiện hành, song Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, không cần thiết phải bổ sung từ “thí điểm” vào tên Nghị quyết khi rà soát, vì đây chỉ là vấn đề về thủ tục, hình thức văn bản. Việc không có từ “thí điểm” sẽ đảm bảo phù hợp theo các cam kết với OECD, giảm các vướng mắc có thể có. Tổng Thư ký Quốc hội cũng thống nhất với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn để kịp thời áp dụng từ năm 2024.

Giành quyền chủ động trong áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Đánh giá đây là một dung lớn, mới và khó, có tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Trong báo cáo thẩm tra, Thường trực UBTCNS cho rằng, hồ sơ dự án Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm điều kiện để trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 để thông qua theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nếu Việt Nam không đánh thuế bổ sung thì các doanh nghiệp chịu tác động cũng sẽ bị đánh thuế bổ sung tại nước họ. Việt Nam không ban hành nghị quyết là từ bỏ quyền đánh thuế. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là ảnh hưởng tới ngân sách, tới doanh nghiệp đang đầu tư và sẽ có kế hoạch đầu tư.

“Đánh thuế phải làm sao để môi trường đầu tư kinh doanh vẫn giữ được ổn định, không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam hiện nay” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói và đề nghị dự liệu cả ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch sang Việt Nam, kèm theo đó là chính sách phù hợp.

Về các vấn đề cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu cụ thể hóa hơn các quy định, làm rõ ràng, minh bạch, Việt hóa một số thuật ngữ để đảm bảo việc triển khai từ 1/1/2024 được thuận tiện, dễ dàng.

122 doanh nghiệp chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, việc ban hành Nghị quyết này là để thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu, là quyền lợi của đất nước. Nếu không đánh thuế tối thiểu với các doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euro trở lên thì có nghĩa chúng ta từ bỏ quyền định thuế của mình, doanh nghiệp sẽ nộp phần chênh lệch về nước mẹ. Không chỉ thất thu thuế, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng về dòng vốn đầu tư, gây tác động không nhỏ. Do vậy, khi áp dụng quyền đánh thuế của mình theo quy định của OECD, thì chúng ta sẽ giành được quyền chủ động, Bộ trưởng nêu rõ.

Giành quyền chủ động trong áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, qua rà soát, ước tính có khoảng 122 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định thuế tối thiểu toàn cầu, với khoản thu thuế khoảng 14.600 tỷ đồng. Dự kiến, khi ban hành chính sách thuế này thì sẽ có thêm một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ đầu tư.

Để phù hợp với quy định của OECD, tránh những vướng mắc không đáng có, Bộ Tài chính đề nghị không dùng từ “thí điểm” trong dự thảo Nghị quyết, để đảm bảo sự chắc chắn, yên tâm cho nhà đầu tư.

Đối với việc sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều vòng, tới đây sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, dự kiến là năm 2025. Khi đó sẽ nghiên cứu bổ sung các quy định này vào luật để đảm bảo thống nhất.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ, dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hội thảo với sự tham của nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, các tập đoàn lớn để lấy ý kiến rộng rãi. Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến của các bộ, ngành… theo đúng quy trình.

Cùng với xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định hướng dẫn cụ thể, phấn đấu ban hành trong tháng 12 để phù hợp lộ trình triển khai chính sách thuế này từ 1/1/2024.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, UBTVQH thống nhất với đề xuất tại tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp hôm nay để rà soát, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.