Tham nhũng tăng, xử lý giảm

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013, do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tại phiên họp Quốc hội ngày 22/10 cho biết: Tình hình tham nhũng thời gian qua chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.

Tuy vậy, qua khảo sát, tình hình tham nhũng đã có xu hướng giảm ở một số lĩnh vực như thuế, hải quan, truyền thông, dịch vụ đăng ký và cấp phép.

Cũng theo báo cáo, thời gian qua, đã có 41 lãnh đạo các cơ quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước bị chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rang, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTN vẫn còn hạn chế.

Mặc dù số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyen Van Hien

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình báy báo cáo thẩm tra. Ảnh: TTXVN

Ý kiến một số thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải sớm tiến tới việc quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Phát hiện nhiều, thu hồi ít

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, các cuộc thanh tra được tiến hành rất nhiều, nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng (có một số địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 01 đến 02 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính...). Việc tố cáo tham nhũng cũng rất hạn chế, có những địa phương, qua nhiều năm cũng chỉ nhận được một đến hai đơn tố cáo tham nhũng.

Đáng lưu ý, số tiền, tài sản sai phạm có liên quan đến tham nhũng phát hiện được qua công tác thanh tra, kiểm toán là rất lớn, nhưng kiến nghị thu hồi khoảng trên 40%, số thu hồi được còn thấp hơn nữa (đạt dưới 50% số tiền, tài sản kiến nghị thu hồi).

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng cũng đạt tỷ lệ rất thấp (trong kỳ báo cáo, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất, nhưng chỉ mới thu hồi nộp NSNN trên 900 tỷ đồng, đạt dưới 10% số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi ).

Báo cáo cũng cho biết, theo báo chí và dư luận nhân dân thì tình hình tham nhũng trong lĩnh vực hỗ trợ dạy nghề nông thôn, xóa đói, giảm nghèo… cũng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.

Vì vậy, ý kiến một số thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải sớm tiến tới việc quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Đánh giá chung, Ủy ban Tư pháp cho rằng Chính phủ nên có báo cáo cụ thể hơn về việc Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng như thế nào, để thấy được sự chuyển biến của công tác phòng chống tham nhũng./.

Hoàng Yến