hội thảo

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư

Chia sẻ tại hội nghị sử dụng lao động quốc gia năm 2019, đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/10, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn băn khoăn về quy định giới hạn giờ làm thêm.

2 phương án giờ làm thêm

Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về quy định giờ làm thêm, đến thời điểm này, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành và có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Tuy nhiên, phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.

Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng.

Các ngành nghề được tổ chức làm thêm từ 200 - 300 giờ là dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước.

Phương án 2 là như đề xuất tại dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 400 giờ/năm.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, ông Mikanao Tanaka - Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), đại diện cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các DN Nhật Bản rất mong muốn Việt Nam bỏ quy định về thời gian làm thêm giờ.

Đại diện DN Nhật Bản phân tích, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, đầu tư vào Việt Nam đang có chiều hướng tăng, ngày càng có nhiều DN đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc tuyển dụng lao động của các DN Nhật Bản tại Việt Nam đang rất khó khăn. Thậm chí, để tuyển dụng đủ số lao động bù vào số đã nghỉ việc cũng đã rất vất vả. Các DN buộc phải yêu cầu người lao động làm thêm giờ để đảm tiến độ đơn hàng.

Theo ông Mikanao Tanaka, không những các ngành sản xuất, mà cả các ngành nghiên cứu cũng không nên quy định giờ làm thêm. Mặt khác, DN Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, hầu hết không đủ tiền đầu tư cho các trang bị máy móc mà vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sức sản xuất lao động.

“Để giữ vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam thì phải xem xét lại các quy định, cụ thể là cần nới rộng quy định làm thêm giờ” - ông Mikanao Tanaka nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Bích Hạnh – Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với các nước. Đơn cử như trong ngành da giày, mỗi công nhân chỉ đạt năng suất 0,5 đôi/giờ, trong khi đó tại Trung Quốc, năng suất là 1,2 đôi/giờ.

Theo bà Hạnh, ngành thời trang có đặc thù là khó ứng dụng máy móc. Ngay tại các nước phát triển thì vẫn phải lấy con người là yếu tố sản xuất chính. Yếu tố con người tạo nên giá trị sản phẩm, máy móc chỉ làm tăng năng suất lao động. Nhiều DN ngành thời trang đã phải chuyển về nông thôn để tận dụng lao động địa phương. Chính vì thế, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm.

Cần tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, trong thực tế, người lao động làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất lao động. Do đặc thù ngành thủy sản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong mùa vụ, không phải ngày nào cũng có nguyên liệu mà làm 10 tiếng/ngày.

Hơn nữa, chủ DN cũng phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động mới đảm bảo được năng suất, chất lượng. Từ đó DN mới phát triển bền vững. Mặt khác, người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ để nhận lương thêm trang trải cuộc sống.

Ông Quang đề nghị ban soạn thảo sửa lại quy định giờ làm thêm theo hướng, chỉ quy định số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày và không quá 500 giờ trong 1 năm, bỏ quy định ràng buộc giờ làm thêm theo tháng.

Đồng tình với các DN, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, không thể quy định giới hạn giờ làm thêm đối với những những lĩnh vực như thuỷ sản, chế biến nông sản, vì những ngành này có tính mùa vụ, không thể chờ thời gian làm việc bình thường để làm, bắt buộc phải chế biến ngay.

Nếu áp quy định như dự luật, thì DN Việt sẽ đối mặt với vi phạm quy định và các đối tác sẽ hủy hợp đồng.

Về phía người lao động, nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm đi. Tiền lương giảm đi, người lao động vẫn buộc phải làm thêm những công việc khác, đó là nhu cầu chính đáng và họ vẫn có sức khoẻ, có thời gian.

“Cần phải tôn trọng quyền có việc làm của người lao động và quyền tự do kinh doanh của DN, tôn trọng sự thoả thuận tự nguyện của lao động và người sử dụng lao động trong thị trường lao động” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh./.

Bùi Tư