Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để mở rộng và nâng cao giá trị XK hơn nữa, trái cây Việt Nam phải vượt qua những “lực cản” tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài đặt ra, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp (DN).
Nhận diện các “lực cản”
“Lực cản” đầu tiên được các chuyên gia chỉ ra chính là những rào cản kỹ thuật, các tiêu chuẩn mà những nước nhập khẩu đang đưa ra đối với trái cây tươi của Việt Nam. Đó là phải đảm bảo không có dịch bệnh và không có thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục họ quy định. Ví dụ: “Thị trường châu Âu với 28 quốc gia là tiềm năng lớn cho trái cây tươi Việt Nam nhưng cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn về chất lượng rất cao. Thực tế, các năm vừa qua thi thoảng cũng có một số cảnh báo của họ về nông sản của Việt Nam như bị nhiễm các loại bệnh. Ở vùng khí hậu nhiệt đới như của chúng ta thì dịch bệnh trên trái cây rất phổ biến nhưng với họ lại là đối tượng quan tâm”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay.
|
Đồng thời, để kiểm soát dịch bệnh, các nước nhập khẩu cũng đang yêu cầu trái cây tươi của Việt Nam trước khi xuất đi phải được xử lý bằng hơi nước nóng hoặc chiếu xạ, đơn cử như tại thị trường Nhật Bản.
“Lực cản” tiếp theo là do chất lượng các sản phẩm trái cây Việt Nam chưa đảm bảo tiêu chuẩn các thị trường như Mỹ, Nhật Bản… Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Tuy XK trái cây có khả quan nhưng vẫn còn khó khăn là sản lượng nhiều loại trái cây như thanh long, dưa hấu… thường tập trung theo thời vụ cao độ nên lượng trái cây ra quá nhiều, gây khó khăn cho tiêu thụ. Bên cạnh đó, thực tế chất lượng trái cây nhiều vùng chưa đạt tiêu chuẩn. Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về kiểm dịch thực vật và các rào cản kỹ thuật chưa được DN quan tâm đúng mức…”.
Cùng với đó, trong khi các nước đều thắt chặt về chất lượng nông sản thì sản xuất của chúng ta vẫn đang ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Số lượng DN XK trái cây tươi Việt Nam chỉ tính trên đầu ngón tay. Nhiều DN nói rằng chi phí vận chuyển của các nước rất thấp còn của Việt Nam thì cao. Chẳng hạn giữa Việt Nam và Thái Lan, cùng 1kg thanh long xuất từ Thái Lan sang Việt Nam rẻ hơn của Việt Nam xuất sang Thái Lan tới 2USD.
Tháo gỡ như thế nào?
Nhằm tháo gỡ những “lực cản”, khơi thông thị trường cho trái cây XK, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục BVTV tập trung tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật, hỗ trợ DN XK nông sản thông qua cải cách thủ tục hành chính và sản xuất nông sản an toàn.
“Việt Nam đang có khoảng 10 loại trái cây tiềm năng, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Cục thông qua đàm phán, thực hiện được hồ sơ thủ tục cho loại trái cây nào là làm ngay để dọn sẵn đường cho XK, tránh gặp phải các rào cản sau này, dù hiện tại DN chưa có đủ năng lực XK đối với loại trái cây đó”, ông Hoàng Trung cho biết.
Đồng thời, để kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, Bộ này đang tổ chức kiểm soát, giám sát các vùng trồng trái cây an toàn, triển khai cấp mã số xác nhận theo vùng. Đối với yêu cầu chiếu xạ, hiện nay đã có các cơ sở đặt tại miền Nam và miền Bắc và có tới 5 cơ sở xử lý hơi nước nóng công suất lớn đặt tại miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Để có thể thâm nhập vào được các thị trường khó tính thì DN cần có được giấy chứng nhận GAP. Theo đó, phía Bộ NN&PTNT sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn, yêu cầu DN phải đăng ký vùng trồng với cơ quan kiểm dịch để xuống kiểm tra và bắt buộc áp dụng các quy định tiêu chuẩn của các nước mà DN định lựa chọn XK.
Đặc biệt, mới đây, Bộ NN&PTNT cũng được Chính phủ giao tập trung xây dựng một nghị định mới với những chính sách mạnh mẽ để thu hút, ưu tiên và mời gọi các DN tham gia vào nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ đang thực hiện cải cách hành chính triệt để, tháo gỡ mọi khó khăn cho DN XK trái cây.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật, Việt Nam đang có tiềm năng sản xuất cũng như XK nhiều trái cây tươi, rất cần có chiến lược chủ động tiêu thụ sản phẩm, thống nhất điều hành XK. Có chương trình quảng bá trái cây Việt Nam trong và ngoài nước để phát triển thêm thị trường; đặc biệt là những chương trình quảng bá để mở rộng thị trường khó tính về cả số lượng và chất lượng.
Nam Khánh