Gỡ vướng mắc, tạo đột phá trong tăng trưởng tại Nam Trung Bộ
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thị sát các dự án vướng mắc cần xử lý trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày 13/3/2025. Ảnh: Trần Mạnh

Các địa phương rà soát, khai thác tối đa dư địa tăng trưởng

Ngày 13/3, tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã làm việc với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt và vượt mức tăng trưởng năm 2025.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành cho biết, tỉnh đã đề ra 50 nhiệm vụ đột phá để Khánh Hòa thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 10,5%, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung xử lý dứt điểm các dự án có sai phạm trong việc quản lý đất đai, các công trình chậm tiến độ, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu công nghiệp, các ngành, nghề trọng điểm theo định hướng phát triển của tỉnh...

Thị sát 4 dự án có nhiều vướng mắc

Trước đó, chiều 12/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác đã thị sát 4 dự án trong hơn 90 dự án có vướng mắc, đang chờ xin cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 170/2024-NQ/QH15 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đất đai trong Kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. 4 dự án nằm trên địa bàn thành phố Nha Trang, gồm: Trụ sở làm việc và trụ anten của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa cũ (số 10 đường Trần Phú); Dự án ở vị trí 48 - 48A đường Trần Phú; Khu phức hợp thương mại, khách sạn, căn hộ Tropicana Nha Trang (số 40 đường Trần Phú); Khách sạn Bạch Việt (số 2 Phan Bội Châu).

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt; bổ sung quy hoạch xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vân Phong; hướng dẫn tỉnh hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030...

Đối với tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, Bình Định đã rà soát kỹ lưỡng các dư địa phát triển để xác định các giải pháp đột phá, bền vững; trong đó có phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi với các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc; rà soát, triển khai các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, phấn đấu công nghiệp tăng khoảng 10% trở lên so với năm 2024…

Đến nay, tỉnh đã giao kế hoạch chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực. Bình Định kiến nghị một số nội dung liên quan đến quy hoạch điện, kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát,… để phát triển trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên nhấn mạnh các giải pháp về phát triển nuôi trồng thủy sản; du lịch; giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật xây dựng đường cao tốc; thu hút đầu tư vào khu kinh tế Nam Phú Yên; phát triển nhà ở xã hội, giải quyết việc làm, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn…

Tỉnh Phú Yên đề xuất một số nội dung liên quan đến quy định về khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng; hỗ trợ ngân sách trung ương đối với tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh; triển khai giải ngân vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Giải quyết dứt điểm các dự án sai phạm

Tại cuộc họp, phân tích tiềm năng, lợi thế của các địa phương, cũng như những điểm nghẽn cần tháo gỡ, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi với địa phương về một số nội dung cụ thể liên quan đến đất đai, khoáng sản, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch tỉnh; phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Cùng với đó là phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII; phát triển công nghiệp hỗ trợ… nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy các lợi thế, động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo mục tiêu đề ra.

Đồng thời, đại diện các bộ, ngành liên quan đã hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đấu giá, cấp giấy phép khai thác đất đai, khoáng sản; chồng lấn giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; giải quyết dứt điểm các dự án sai phạm, các dự án chậm tiến độ; đầu tư hạ tầng các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến đường biển, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương; xây dựng chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc biểu dương sự nỗ lực của các tỉnh trong việc xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Phân tích sâu về các chỉ tiêu phát triển kinh tế các tỉnh đã đề ra trong so sánh với tương quan của cả nước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi mở một số nội dung (nhất là liên quan đến giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước); yêu cầu các tỉnh trong tháng 3 phải hoàn thành phân bổ vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng chia sẻ: "Làm lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, quyết đoán, mạnh mẽ, truyền tải được trí tuệ và cảm hứng và quyết tâm hành động tới mỗi doanh nghiệp và người dân. Vướng ở đâu phải kịp thời tháo gỡ ở đó. Phải hết sức trân trọng, tận tụy, chân thành lắng nghe, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng với nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển bền vững…".

Về kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập hợp, báo cáo lãnh đạo Chính phủ xem xét tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Địa phương phải chủ động kích cầu tiêu dùng

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh 3 động lực lớn cho tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Theo đó, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư FDI; thúc đẩy đầu tư trong nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Theo Phó Thủ tướng, cần cải cách mạnh mẽ, đặc biệt về thủ tục đầu tư, tạo điều kiện nhanh nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Về xuất khẩu, đây là vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tần logistic và thủ tục xuất nhập khẩu; cần phải tập trung hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đối với tiêu dùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải làm mới lại động lực; đẩy mạnh phát triển du lịch với những sản phẩm phong phú trên cơ sở lợi thế địa phương; phát triển thương mại điện tử… Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; cung tiền hợp lý… và các địa phương phải chủ động triển khai kích cầu tiêu dùng, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Về nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã họp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các tỉnh; yêu cầu các tỉnh phải chủ động, đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ theo thẩm quyền từ quy hoạch, giao đất, thủ tục đầu tư, đối tượng hưởng thụ… để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.