Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nam đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Sở Tài chính Hà Nam thực hiện chức năng tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách tài chính, vậy kết quả nổi bật của công tác này trong thời gian qua là gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chỉ thị số 06/CT-TTg, trong năm 2015, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mạnh mẽ nhiều nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN).

Cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ở mức cao nhất, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2015.

Hà Nam tập trung nhiều nguồn lực cho an sinh xã hội
Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cùng với sự ủng hộ tham gia của toàn xã hội. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Ông Nguyễn Anh Tuấn

Đặc biệt, khối cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước đã tham mưu, giúp tỉnh ủy, HĐND tỉnh tăng cường công tác quản lý chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo. Rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán.

Trong đó, nổi bật lên là: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA…

Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; thực hiện nghiêm quy định không mua xe công; tạm giữ lại tại KBNN 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách.

PV: Được biết, tỉnh Hà Nam rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho công tác an sinh, xã hội. Vậy ông có thể cho biết đôi nét về hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đúng như vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

hà nam
Một góc thành phố Phủ Lý - tỉnh Hà Nam.

Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cùng với sự ủng hộ tham gia của toàn xã hội. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng lớn. Bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong giai giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, Hà Nam đã đạt được những kết quả nhất định, như:

Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân nhằm từng bước xã hội hoá; công tác thương binh liệt sỹ, phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động. Dự kiến trong giai đoạn này giải quyết quyết việc làm mới cho 81.181 lao động.

Tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững với nhiều nội dung phong phú và có chiều sâu: hỗ trợ tiền điện, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cụ thể: 40.779 hộ nghèo được vay gần 600 tỷ đồng, hỗ trợ tiền điện cho 93.980 lượt hộ nghèo… Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015, dự kiến giảm còn 4,4%, bình quân giảm 1,68%/năm, vượt mục tiêu.

Đến nay, tỉnh Hà Nam có 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí. Phấn đấu đến hết 2015, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh đạt 70% với 525.935 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

PV: Còn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Cho đến nay, Chương trình này được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần quan trọng làm bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Tỉnh Hà Nam đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, trong đó đã huy động được khoảng 5.458,2 tỷ đồng, bình quân tăng 23%/năm, trong đó nguồn xã hội hóa 802,1 tỷ đồng, chiếm 14,7%.

Toàn tỉnh đã làm được 1.744,849 km đường giao thông thôn, xóm; 150 km đường trục chính nội đồng; kiên cố hóa 45,41 km kênh mương; nâng cấp, xây dựng mới 1.799 phòng học, 283 nhà văn hóa thôn xóm…

Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, ổn định, vững mạnh; thu nhập từng bước được nâng lên, bình quân khu vực nông thôn năm 2015 ước đạt 29 triệu đồng/người, tăng 14,42 triệu đồng so với năm 2010.

Với những kết quả có được, trong những năm tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên tinh thần kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tuấn Kường