Ngành Nông nghiệp thiệt hại trên 30.800 tỷ đồng do bão số 3 và mưa lũ Hà Nội tích cực phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiệt hại của cơn bão số 3 |
Hỗ trợ diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại từ 30% trở lên
Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, cơn bão số 3 (bão Yagi) và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh phía Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão như tập trung các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục hậu quả sau bão, xử lý môi trường; quản lý, chăm sóc diện tích cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng; phòng trừ dịch bệnh, phục hồi sản xuất; triển khai ngay việc hỗ trợ phục hồi sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐCP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (NĐ 02) và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn TP. Hà Nội (QĐ 07); bổ sung nguồn vốn qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách TP. Hà Nội,...
Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết. |
Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, trong quá trình rà soát, thống kê thiệt hại, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo có một số diện tích sản xuất một số chủng loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao (cây quất cảnh, cây đào cảnh, chim cút, chim bồ câu…) bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ sau bão nhưng chưa được quy định cụ thể về mức hỗ trợ tại NĐ 02 và QĐ 07. Do vậy, không có chính sách để hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nông dân sản xuất những đối tượng cây trồng, vật nuôi trên.
Với diện tích cây quất cảnh bị thiệt hại trên 70% sẽ hỗ trợ 90 triệu đồng/ha; thiệt hại 30% - 70% được hỗ trợ 45 triệu đồng/ha. Diện tích cây đào cảnh bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 60 triệu đồng/ha và thiệt hại 30% - 70% được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha. Diện tích cây phật thủ bị thiệt hại trên 70% được hỗ 60 triệu đồng/ha và thiệt hại 30% - 70% được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha. Đối với các loại cây trồng khác như mai trắng, lộc phát, nhài Nhật, hoa giấy, hoa trà, mai tứ quý, lan tiêu… bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 60 triệu đồng/ha và thiệt hại 30% - 70% được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha... |
Để tiếp tục hỗ trợ người sản xuất giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, động viên người dân nhanh chóng, tích cực khôi phục sản xuất, việc xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2024 là rất cần thiết. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão từ 30% trở lên.
Tổng kinh phí dự kiến hơn 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Trao thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi thường xuyên
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định về thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội.
Theo đó, đối với nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố giao thực hiện tự chủ của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước và cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị mình.
Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. Hà Nội. |
Đối với nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố không giao thực hiện chế độ tự chủ thì thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là đơn vị dự toán cấp 1 thuộc cấp thành phố quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc, trực thuộc cơ quan, đơn vị mình.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị là đơn vị dự toán thuộc cấp quận, huyện, thị xã. Chủ tịch UBND xã, thị trấn quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp xã, thị trấn.
Sau khi được HĐND phân bổ, UBND giao dự toán ngân sách, trường hợp dự toán chi thường xuyên được phân bổ để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị khác với dự toán kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước đã được phê duyệt tại quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị, cấp có thẩm quyền quy định tại điều này có trách nhiệm rà soát, ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ và dự toán kinh phí đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi dự toán được giao.../.
Trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với nội dung về phân cấp ủy quyền quyết định mua sắm của các cơ quan, đơn vị đã được HĐND thành phố quyết nghị; phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác quản lý tài chính, tài sản công trên địa bàn thành phố; phù hợp với chủ trương và nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện lập, quản lý, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước của thành phố. |