Hà Nội ứng dụng điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025
Thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe đạt 50-70% tại Hà Nội. Ảnh: TL

Thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe đạt 50 - 70%

Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án 06/CP về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06/CP) của TP. Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, từ ngày 9/2/2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe trên (3 bãi đỗ xe máy và 4 bãi đỗ ô tô) tại Phủ Tây Hồ và Chùa Trấn Quốc. Một số kết quả như tỷ lệ thu không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thí điểm đạt trên 50% đối với xe máy; gần 70% đối với ô tô.

Thành phố đang xây dựng Hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố trong đó có tính năng của hệ thống là thu phí thông minh từ tìm kiếm đến thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe.

Về thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách… Hà Nội đang triển khai tích cực; giao chỉ tiêu từng đơn vị và chọn một đơn vị điểm để triển khai

Trước 30/3, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có kế hoạch tổng thể triển khai toàn thành phố trong tháng 3/2024. Sau đó, thành phố sẽ thí điểm tại các điểm đỗ của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ để rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn thành phố.

Về vấn đề này, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, việc thu phí không dùng tiền mặt sẽ có hiệu ứng giảm ùn tắc từ cửa ngõ đến trung tâm thành phố và đặc biệt hạn chế được tội phạm có tổ chức ở những khu vực này và lưu ý cần phân biệt rõ bãi đỗ và lòng đường. Trong đó, chú ý các bãi trông giữ xe ở lòng đường với phương châm “dứt khoát ai có năng lực mới được làm, kết hợp với kinh nghiệm sử dụng camera, phạt nguội để triển khai”.

Hà Nội ứng dụng điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025
Quang cảnh buổi làm việc.

100% cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai sổ sức khỏe điện tử

Cùng với việc thu phí không dùng tiền mặt, Hà Nội cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK). Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã hoàn thành kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe (HSSK) với mạng số liệu chuyên dùng CPNet.

TP. Hà Nội đã đồng bộ 1.135.898 hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên Ứng dụng VneID.

Hà Nội hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống đạt tỷ lệ 100% và tổ chức 5 lớp tập huấn cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh của 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức Online qua phần mềm Zoom metting. Đồng thời, tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 30 phòng khám đa khoa và 246 trạm y tế, tăng 327 đơn vị so với thời điểm 25/1/2024.

Đến thời điểm hiện tại hơn 8 triệu người dân trên địa bàn TP. Hà Nội được khởi tạo từ Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và phần mềm Quản lý khám chữa bệnh, Tiêm chủng quốc gia lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử của TP. Hà Nội.

Để đẩy nhanh việc thí điểm sổ sức khỏe điện tử, TP. Hà Nội đề xuất Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ tháo gỡ khó khăn pháp lý về chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 13; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hỗ trợ đánh giá an toàn thông tin hệ thống, cho phép kết nối cơ sở dữ liệu dân cư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh, cung cấp API và trả về thông tin thẻ; Bộ Y tế ban hành mẫu sổ điện từ và hướng dẫn người dân sử dụng; chỉ đạo các bệnh viện chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh…

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, kết quả việc thí điểm của Hà Nội sẽ để nhân rộng thí điểm ra cả nước. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hà Nội hiệu quả và sẽ trả lời cụ thể những vấn đề Hà Nội đề xuất trước ngày 20/3/2024.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ: “Các cơ sở y tế phải triển khai được sổ sức khỏe điện tử dù là công lập hay tư nhân. To hay nhỏ đều phải tham gia hệ thống, mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ việc này”.

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.