Hà Nội: Gần 109.000 thí sinh hoàn thành thi môn Ngữ văn
Hà Nội: Gần 109.000 thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn

Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 - 28/6. Trong đó, ngày 27/6, buổi sáng thí sinh dự thi môn Ngữ văn, buổi chiều, các thí sinh sẽ thi môn Toán với thời gian làm bài là 90 phút; ngày 28/6, buổi sáng thí sinh dự thi bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội, buổi chiều thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ.

Trước đó, ngày 26/6, các thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng.

Với 108.573 thí sinh đăng ký dự thi (94.935 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT và 13.638 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên), TP. Hà Nội là địa phương có quy mô thí sinh dự thi lớn nhất cả nước. Để tổ chức kỳ thi, thành phố đã bố trí 196 điểm thi với 4.532 phòng thi chính thức tại 30 quận, huyện, thị xã; điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi và gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi…

Quán triệt tinh thần quyết tâm tổ chức kỳ thi bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương đã yêu cầu lãnh đạo 196 điểm thi chuẩn bị kỹ càng, toàn diện mọi điều kiện, trong đó tăng cường giám sát để bảo vệ tuyệt đối an toàn và bảo mật cho đề thi, từ khâu giao - nhận đề đến khâu bảo quản tại điểm thi trong suốt thời gian thi.

Nhấn mạnh tới những tình huống bất thường có thể xảy ra trong kỳ thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu phụ trách các điểm thi không được lơ là, chủ quan. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ cần nêu cao trách nhiệm trong mỗi khâu, mỗi công đoạn theo tinh thần “3 chủ động”, “4 đúng” và “3 không”. Trong đó, “3 chủ động” gồm: Chủ động công tác thông tin tuyên truyền với phụ huynh, thí sinh, dư luận xã hội; chủ động đề xuất chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi; chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin. “4 đúng” gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” gồm: Không lơ là chủ quan, không tự ý xử lý các tình huống bất thường và không gây căng thẳng quá mức.

Theo lịch, đúng 6 giờ 30, cán bộ coi thi có mặt tại phòng thi, đánh số báo danh theo phương án đã bốc thăm. Đúng 7 giờ, cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi. Được quán triệt rõ về các mốc thời gian nên tại 196 điểm thi trên địa bàn TP Hà Nội sáng 27/6 đều ghi nhận nhiều thí sinh có mặt từ rất sớm.