Hà Nội sẵn sàng cho tổng kiểm kê tài sản công Thêm 3 địa phương “về đích” tổng kiểm kê tài sản công

100% đơn vị hoàn thành cập nhật, duyệt dữ liệu

Hà Nội là địa phương có số lượng đơn vị, số lượng tài sản thuộc phạm vi kiểm kê nhiều nhất cả nước. Trên địa bàn thành phố có 5.145 đơn vị thuộc đối tượng thực hiện kiểm kê tài sản công đối với 11 nhóm tài sản.

Mặc dù khối lượng tài sản kiểm kê nhiều và phức tạp, nhưng nhờ nỗ lực và quyết tâm cao, TP. Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ tổng kiểm kê tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn, đúng tiến độ do UBND tỉnh đặt ra.

Theo đại diện Sở Tài chính, Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (Đề án 213) giao thời hạn hoàn thành kiểm kê là trước ngày 31/3/2025.

Hà Nội hoàn thành cập nhật dữ liệu tổng kiểm kê tài sản công trước kế hoạch
Công viên Phùng Khoang - công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng sau nhiều năm bỏ hoang. Ảnh: T.L

Tính đến 15 giờ ngày 25/3/2025, 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm kê của TP. Hà Nội đã hoàn thành công tác cập nhật, duyệt dữ liệu trên phần mềm tổng kiểm kê tài sản công của Bộ Tài chính với tổng số 3.807 cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và hơn 608 nghìn tài sản kiểm kê.

Với vai trò cơ quan thường trực Đề án Tổng kiểm kê của thành phố, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc sát sao từ trung ương đến địa phương, đặc biệt các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện tích cực hoàn thành sớm việc kiểm kê.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Sở Tài chính đã tổ chức 2 hội nghị trao đổi về kết quả, tiến độ thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước của các đơn vị trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có nội dung hướng dẫn về tổng kiểm kê tài sản công, đảm bảo không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ chung của thành phố.

Theo đó, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác tổng kiểm kê thực tế từ 0h ngày 1/1/2025, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong phối hợp Bộ Tài chính tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 sở và 2 quận, huyện, làm cơ sở Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn kiểm kê.

Trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn kiểm kê tài sản công của thành phố, tăng cường công tác hạch toán, kế toán phục vụ tổng kiểm kê trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và phần mềm cho các đầu mối trực thuộc thành phố; tập huấn cho các đơn vị triển khai thực hiện...

Tăng cường quản lý hậu kiểm kê

Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, trong thời gian tới, các đơn vị tổng hợp sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra tính chính xác của báo cáo tổng kiểm kê gửi Sở Tài chính để hoàn thành tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố, xây dựng báo cáo kiểm kê của TP. Hà Nội gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/6/2025.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê tài sản công, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố thực hiện đồng bộ, chuẩn hóa vào cơ sở dữ liệu về tài sản công của thành phố.

Hà Nội hoàn thành cập nhật dữ liệu tổng kiểm kê tài sản công trước kế hoạch
Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội được đầu tư bởi nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án triển khai từ tháng 11/2021 và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024. Ảnh: T.L

Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND thành phố có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác hạch toán, quản lý tài sản công hậu kiểm kê, trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện: rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, đặc biệt là tài sản chuyên dùng nhằm phục vụ công tác mua sắm, quản lý, sử dụng và sắp xếp, xử lý tài sản;

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục giao tài sản (đối với tài sản đang tạm giao hoặc chưa rõ đối tượng quản lý), hoàn thiện hồ sơ quản lý tài sản (ví dụ hồ sơ nhà, đất), xác định giá trị tài sản công để đưa vào sổ sách kế toán theo dõi đối với những tài sản ghi nhận chưa theo dõi sổ sách kế toán;

Sắp xếp, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tài sản trong tình trạng hư hỏng, không sử dụng được hoặc không còn nhu cầu sử dụng, đặc biệt là nhà, đất dôi dư, để trống.

11 nhóm tài sản kiểm kê gồm:

Nhóm tài sản cố định có 3.797 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng đường bộ có 423 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng đường sắt đô thị có 2 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng đường thủy nội địa có 01 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng cấp nước sạch có 17 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng thủy lợi có 121 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng chợ có 231 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng cụm công nghiệp có 12 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng khu công cao có 2 đối tượng kiểm kê; nhóm hạ tầng đê điều có 25 đối tượng kiểm kê và nhóm hạ tầng văn hóa thể thao có 516 đối tượng kiểm kê.