Hà Nội hướng đến dung hòa “truyền thống và hiện đại, môi trường và kinh tế"
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận giải pháp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững khi mật độ các đô thị xuất hiện ngày càng dày đặc ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, các chương trình hợp tác về đô thị của Hà Nội thời gian qua được triển khai ở nhiều cấp độ và hình thức, nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hóa, đảm bảo dung hòa những giá trị hiện đại với truyền thống, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, hội nhập và giữ gìn văn hóa để đô thị đáng sống hơn.

Tính đến hết năm 2022, tại Việt Nam có 88 đô thị, ước tính đóng góp 75% GDP cả nước. Bên cạnh đó, sự phát triển đô thị cũng kéo theo nhiều thách thức như hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, quá tải bộc lộ hạn chế, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19. Riêng với Hà Nội, là trung tâm văn hóa - kinh tế- chính trị của cả nước, hiện có dân số khoảng 8,5 triệu người, diện tích xấp xỉ 3.360km2, chịu áp lực giải quyết khối lượng công việc lớn, phức tạp.

Hà Nội hướng đến dung hòa “truyền thống và hiện đại, môi trường và kinh tế"
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France - ông Stéphane Beaude cho rằng, Vùng Ile de france hiện đã có một số dự án thí điểm và điển hình, theo đó thành lập nhóm chuyên gia biến đổi khí hậu và sinh học, hỗ trợ các chủ thể kinh tế nông nghiệp, bảo vệ rừng, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, vùng chủ trương xây dựng thêm 200km xây dựng đường điện ngầm, gấp đôi hiện có để phục vụ khu vực thương mại, mạng lưới giao thông lớn thứ 2 trên thế giới sau Tokyo. Pháp dự kiến hệ thống xe buýt trong vùng đạt 100% xe sạch cho tới năm 2030, đồng thời có các dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ mua phương tiện sạch. Từ năm 2021, chính quyền vùng đã nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông thông qua dự án 200 triệu Euro phát triển đường bộ thông minh.

Theo ông Stéphane Beaude, điểm tương đồng với Hà Nội và Vùng Ile de france là chú trọng giảm thiểu chất thải, chất nhựa là quan tâm hàng đầu trong các dự án xây dựng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Vùng Ile-de-France có kế hoạch hợp tác giúp cho Hà Nội nghiên cứu vấn đề này, công bố xuất bản hướng dẫn phát triển bền vững, chiến lược chính sách xử lý rác thải dự án cụ thể, xây những “khu chợ không rác” và có sự tham gia của cả cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Pháp.

Một mục tiêu quan trọng khác của các địa phương hai nước là quy hoạch đô thị hòa hợp với các không gian xanh. Do đó, phía Vùng Ile de France rất khuyến khích mở rộng mô hình phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm sang khu vực lân cận, đồng thời đã và đang triển khai hỗ trợ Hà Nội trong các dự án thiên nhiên ở phố như cải tạo vườn hoa Diên Hồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của TP.Hà Nội là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm thiểu thời gian di chuyển; tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cải thiện sự thoải mái và an toàn trong vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa; áp dụng các công nghệ mới...