Hà Nội

Tập thể UBND TP họp phiên thường kỳ tháng 4/2018.

Ngày 19/4/2018, tập thể UBND TP. Hà Nội họp phiên thường kỳ tháng 4/2018, xem xét quyết định 6 nội dung thuộc thẩm quyền.

Mở rộng mô hình cơ chế một cửa liên thông là cần thiết

Tại cuộc họp, đại diện Sở Nội vụ đã báo cáo dự thảo về việc ban hành quy định áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tại TP.

Theo đó, dự thảo yêu cầu toàn bộ các thủ tục dịch vụ công phải được rà soát, xây dựng và thực hiện công bố, công khai. Một thủ tục dịch vụ công phải bảo đảm đầy đủ các bộ phận cấu thành theo quy đinh như đối với một thủ tục hành chính (TTHC) được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát TTHC.

Đối với các thủ tục có giá dịch vụ công được xác định theo cơ chế thị trường, các đơn vị, DN tự công bố giá và công khai đế cá nhân, tổ chức biết đồng thời gửi sở, cơ quan tương đương sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và Sở Tài chính để theo dõi...

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại Công ty nước sạch số 2 Hà Nội và Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), kết quả mang lại nhiều chuyển biến tích cực, người dân hài lòng với dịch vụ công, bởi tiếp cận dịch vụ dễ dàng, giải quyết đúng hạn, ý thức phục vụ người dân tốt hơn.

Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công mô hình này, được trung ương, các bộ, ngành đánh giá cao, từ đó góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính của TP. Đặc biệt, việc áp dụng cơ chế một cửa được người dân, dư luận ghi nhận, đồng tình ủng hộ.

TP đã tổ chức tổng kết, đánh giá và quyết định tiếp tục mở rộng mô hình tại một số lĩnh vực như tại Ban phục vụ lễ tang đã có 4 điểm thực hiện mô hình này, mức độ hài lòng đạt trên 90%. Vì vậy, việc mở rộng mô hình tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, HTX trên địa bàn TP là cần thiết.

Tại buổi họp, ban lãnh đạo UBND TP và đại diện các sở, ngành nhất trí cao về việc ban hành quyết định trên. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng quyết định được ban hành sẽ giúp việc giải quyết dịch vụ công với người dân nhanh hơn, thuận tiện hơn, nhất là ở các lĩnh vực như điện, nước...

Thí điểm đầu tư các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung

Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đã báo cáo về thí điểm đầu tư các khu đô thị nhà ở xã hội (NXH) tập trung trên nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể quy mô nhà ở thương mại toàn TP. Theo đại diện Sở Xây dựng, UBND TP đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, trong đó xác định mục tiêu phát triển m2 sàn NXH toàn địa bàn TP khoảng 6.220.861m2.

Kết quả thực hiện, đến nay đã có 6 dự án hoàn thành, 43 dự án đang triển khai và hoàn thành theo kế hoạch với tổng diện tích sàn khoảng 3.681m2 sàn NXH, số căn hộ khoảng 41.305 căn, tổng mức đầu tư khoảng 39.134 tỷ đồng, diện tích đất khoảng 141ha.

Ngoài ra, hiện nay TP có 58 dự án nhà ở thương mại đã được quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% (hoặc 25%) với khoảng 5.574 tỷ đồng. 58 dự án này tương đương 371.600m2 sàn NXH để hỗ trợ cho các dự án NXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NXH.

Như vậy, so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đã được TP phê duyệt, Hà Nội vẫn còn thiếu khoảng 2.162.649m2 sàn NXH.

Để bù đắp phần diện tích sàn xây dựng NXH còn thiếu, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp phát triển 5 khu đô thị NXH tập trung, đã được Thành ủy thông qua, giao các nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc tại Thông báo 508/TB-VPCP ngày 31/10/2017 tại 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Thường Tín.

Dự kiến, từ nay đến năm 2020, 5 khu này sẽ bổ sung khoảng 1,8 triệu m2 sàn NXH. Ngoài ra, cộng với việc sử dụng một phần quỹ đất xây dựng NXH trong 6 đồ án quy hoạch chi tiết đã được duyệt để phát triển bổ sung NXH, sẽ bổ sung thêm khoảng 2.237.500m2 sàn để bù đắp phần diện tích sàn còn thiếu.

Đại diện các sở, ngành cho rằng, việc hình thành 5 khu đô thị NXH này sẽ tạo điều kiện tốt cho việc quản lý, vận hành các khu đô thị mới và đáp ứng được quy hoạch của TP đến năm 2020.

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho Hà Nội thí điểm xây dựng khu NXH tập trung để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo kế hoạch xây dựng NXH mà Chính phủ giao. Do vậy, Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ngành khẩn trương hoàn thiện đề xuất báo cáo UBND TP xem xét, trình HĐND TP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bài, ảnh: Khánh Linh