Năm 2016 khảo sát mô hình sản xuất giỏi tại 1 số xã ở tỉnh Hà Tĩnh, chứng kiến các mô hình sản xuất trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như trồng cam, chăn nuôi lợn, đánh bắt chăn nuôi thủy sản... đã xuất hiện nhiều điển hình làm ăn có hiệu quả.

Tại huyện Cẩm Xuyên có HTX chăn nuôi Hợp Lực, do ông Phạm Văn Cảnh làm giám đốc. Ông đã bỏ vốn ra để chăn nuôi 1.200 con lợn thịt trên/1 lứa, sau đó mở rộng quy mô lên 3.000 con lợn/năm. HTX có 100 lao động doanh thu đạt 28 tỷ đồng/năm, trả lương cho công nhân từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, trừ chi phí sản xuất, HTX đạt lãi ròng khoảng 2,5 tỷ đồng.

Ở huyện Hương Khê cũng có mô hình kinh tế trang trại gia đình ông Đàm Thọ (xã Lộc Yên), với 15 ha đất, trong đó có 5 ha trồng cam, 4 ha trồng bưởi, nuôi 1.200 con lợn thương phẩm, 100 con lợn rừng, vườn ươm 5 vạn cây giống các loại, thu nhập hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng.

Ở huyện Đức Thọ, gia đình ông Nguyễn Thái Huy đã bỏ vốn ra chăn nuôi 600 con lợn nái, 200 con lợn thịt, mỗi năm cũng cho thu hoạch trên 2,5 tỷ đồng.

Ở huyện Kỳ Anh, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (HTX chăn nuôi lợn), mỗi năm chăn nuôi 600 con lợn nái và các thu nhập khác từ trang trại cũng đưa về thu nhập 2 tỷ đồng/năm.

Đi về miền biển có ông Nguyễn Quốc Dũng chủ đội tàu khai thác biển. Ông mạnh dạn đầu tư 19 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Hàng năm đánh bắt được từ 500-600 tấn cá. Doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí lợi nhuận thu về trên 4 tỷ đồng. Đây là đội tàu có trên 40 lao động, thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng.

Ở huyện Lộc Hà có bà Phạm Thị Nhơn chủ của HTX thu mua, chế biến xuất nhập khẩu, mỗi năm cũng thu về lợi nhuận trên 1,3 tỷ đồng và rất nhiều các mô hình khác như trồng rau trên cát, chăn nuôi Hươu, chế biến nước mắm... cũng đưa lại nguồn thu lớn cho ngành nông nghiệp tại Hà Tĩnh.

Qua thực tế đó cho thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi ở Hà Tĩnh đã phát triển rất nhanh, có sức lan tỏa lớn, xuất hiện nhiều mô hình tỷ phú tự sản xuất trang trại, hộ gia đình, HTX. Với khát vọng vượt qua đói nghèo, người nông dân bắt đầu hứng thú với cách làm ăn mới, đổi mới trong tư duy, tích lũy kiến thức. Họ thực sự đã làm thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo mà lâu nay chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”./.

Trần Đình Quý