Hải quan tăng chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2022 của nhiều địa phương
Cơ quan Hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tăng chỉ tiêu hàng chục nghìn tỷ đồng

Cụ thể, Tổng cục Hải quan điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh từ 119.500 tỷ đồng lên 138.000 tỷ đồng; Cục Hải quan Hải Phòng từ 67.050 tỷ đồng lên 78.000 tỷ đồng; Cục Hải quan Thanh Hóa từ 12.000 tỷ đồng lên mốc 17.500 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan cũng giao chỉ tiêu phấn đấu thu thêm từ 3.000 tỷ đồng trở lên cho Cục Hải quan Hà Nội từ 28.100 tỷ đồng lên 31.060 tỷ đồng, Cục Hải quan Quảng Ngãi từ 8.000 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng, Cục Hải quan Đồng Nai từ 20.370 tỷ đồng lên 23.500 tỷ đồng, Cục Hải quan Quảng Ninh từ 10.500 tỷ đồng lên 13.200 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, tính đến ngày 23/10/2022, toàn ngành Hải quan thu nộp NSNN đạt 353.491 tỷ đồng, bằng 100,42% dự toán được giao, bằng 95,54% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng đối với Cục Hải quan Cao Bằng, do chính sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thay đổi đã giúp cho công tác thu ngân sách qua địa bàn đạt khá. Tính đến ngày 23/10/2022, Hải quan Cao Bằng đã thu NSNN đạt 2.508 tỷ đồng, bằng 964,64% so với chỉ tiêu phấn đấu được giao từ đầu năm. Do đó, Tổng cục Hải quan quyết định điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu cho Cục Hải quan Cao Bằng trong năm 2022 từ 260 tỷ đồng lên mức 2.600 tỷ đồng.

Một số đơn vị được Tổng cục Hải quan điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu tăng dưới 1.600 tỷ đồng gồm các Cục Hải quan: Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang.

Ngoài các đơn vị được điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu tăng, Tổng cục Hải quan cũng điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu giảm so với chỉ tiêu từ đầu năm cho các Cục Hải quan: Quảng Bình, Gia Lai - Kom Tum, Quảng Trị, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Định, Điện Biên, Cần Thơ, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam Ninh, Long An, Lào Cai, Nghệ An và Tây Ninh.

Tăng cường chống thất thu

Hải quan tăng chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2022 của nhiều địa phương
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng, Cục Hải quan Cao Bằng kiểm tra mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Ảnh: T.Bình.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong 2 tháng còn lại của năm 2022, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN.

Các đơn vị cần thường xuyên đánh giá tình hình thu NSNN, rà soát nắm vững nguồn thu, nhất là các nguồn thu chính của đơn vị, phân tích, đánh giá biến động tăng, giảm số thu từng tháng đồng thời dự báo xu hướng, tốc độ thu những tháng cuối năm sát thực tế tại địa bàn quản lý...

Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thủ tục hành chính, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

Theo ông Trần Bằng Toàn - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), một nhiệm vụ quan trọng khác đó là tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa...

Các đơn vị hải quan kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng về chủng loại, số lượng, trị giá; hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2022 đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2022 qua công tác thanh tra, kiểm tra./.