Yangon, trung tâm kinh tế lớn nhất của Myanmar
Nhiều nét tương đồng
Nhìn chung Việt Nam và Myanmar được đánh giá là hai nền kinh tế có khá nhiều điểm tương đồng, trong đó lớn nhất là cùng chung nền văn hóa lúa nước, phần lớn người dân theo đạo Phật.
Trước cải cách kinh tế, cả hai nước đều có những điểm giống nhau như: kinh tế chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế, hệ thống ngân hàng yếu kém, cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp, hệ thống văn bản luật pháp về kinh tế còn chưa đầy đủ… Văn hóa tiêu dùng của nhân dân hai nước cũng khá tương đồng.
Ông Chu Công Phùng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho biết, trình độ công nghệ của Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu phát triển hiện tại của Myanmar. Hàng hóa Việt Nam từ loại bình dân đến cao cấp đều được dân chúng Myanmar hoan nghênh.
Tuy nhiên, từng là thuộc địa của Anh nên khả năng giao tiếp, đàm phám soạn thảo văn bản hợp đồng bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp Myanmar thành thạo hơn doanh nghiệp Việt. Trình độ phổ cập tiếng Anh của lực lượng lao động phổ thông Myanmar cũng hơn hẳn Việt Nam.
Coi trọng chữ "tín"
Ông Phùng cho biết, doanh nghiệp Myanmar nói chung rất tuân thủ luật pháp, coi trọng chữ "tín" trong giao dịch kinh doanh. Trong 4 năm qua, Đại sứ quán ta tại Myanmar chưa bao giờ phải can thiệp xử lý tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước mà phía Myanmar vi phạm chữ "tín".
Trong giao dịch thương mại, một số doanh nghiệp Myanmar muốn bên mua thanh toán trước 100% qua ngân hàng rồi mới giao hàng. Điều này đòi hỏi hai bên phải có sự tin cậy rất cao. Nếu cần tiền đặt cọc thì doanh nghiệp Myanmar chỉ nhận tiền ngoại tệ mới, không nhăn, bẩn.
Một đặc điểm trong văn hóa kinh doanh không thể thiếu ở Myamar là "văn hóa tặng quà lẫn nhau" khi gặp gỡ ban đầu và khi thực hiện xong hợp đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị quà lưu niệm có ý nghĩa khi giao dịch và ký kết hợp đồng với các đối tác Myanmar.
Đại diện Citicom, một công ty đã có nhiều kinh nghiệm tại thị trường Myanmar cho biết, doanh nghiệp Myanmar rất thận trọng khi mới quen biết. Để tạo sự tin tưởng, công ty đã mời doanh nhân Myanmar sang Việt Nam để giới thiệu trụ sở, quy mô công ty, đón tiếp doanh nghiệp bạn rất trọng thị, nhiệt tình. Kể từ sau đó, doanh nghiệp Myanmar đã rất tin tưởng và hợp tác làm ăn lâu dài với Citicom.
Cũng như các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Myanmar làm việc thông tầm, chỉ nghỉ ăn trưa khoảng 30 phút và không dùng đồ uống có cồn. Vì vậy doanh nghiệp không nên mời cơm đối tác vào buổi trưa. Nhiều người Myanmar kiêng kỵ ăn thịt động vật 4 chân.
Người lao động Myanmar thường thích cách sống đơn giản, không bon chen. Họ thích lĩnh lương theo ngày, theo tuần, hết giờ làm (5h chiều) là đi về, không muốn, không thích làm thêm giờ dù có được trả thêm nhiều tiền công.
Doanh nghiệp Việt có lợi thế
Trong các cuộc hội thảo, giao thương song phương, nhiều quan chức và doanh nhân Myanmar đã khẳng định hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn hơn hẳn hàng hóa cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Điều đó giải thích vì sao những doanh nghiệp Việt Nam như Vigracera, Saigon Acecook, Bittis, Bittas, Lioa, phân bón Bình Điền, Công ty lúa giống Viettranimex, Công ty sữa quốc tế, Tổng công ty Dược phẩm Bộ Y tế… đang được các đối tác Myanmar nhiệt tình phối hợp xin giấy phép đầu tư liên doanh sản xuất tại Myanmar.
Đặc biệt, một điều rất có ý nghĩa với doanh nghiệp Việt là quan hệ hữu nghị Việt Nam – Myanmar hiện là một trong số ít mối quan hệ hợp tác tốt đẹp nhất giữa Myanmar với các nước ASEAN. Tháng 3/2012, TP.HCM đã kết nghĩa với Yangon. Đây là sự kiện hợp tác đối ngoại đầu tiên của một thành phố lớn Myanmar sau khi đất nước này thành lập chính phủ dân sự mới, cũng là cơ sở pháp lý rất quan trọng đối các doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong quá trình tìm kiếm cơ hội thương mại và đầu tư tại Myanmar.
Đương nhiên, không nên quá lạc quan cho rằng, bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào của Myanmar cũng hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp nước ngoài. Đây là bài toán mà các doanh nghiệp chúng ta phải nghiên cứu, khảo sát và tự giải đáp.
Hoàng Yến