Đề xuất miễn Thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục cho hộ kinh doanh chuyển thành DN kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Ảnh tư liệu |
PV: Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh (HKD), trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và khoảng hơn 2 triệu HKD nhỏ lẻ. Thực tế có những HKD có quy mô, doanh thu lớn tương đương với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vẫn không muốn lớn lên thành doanh nghiệp. Theo ông, yếu tố nào khiến HKD không muốn chuyển thành doanh nghiệp?
LS. Đặng Thành Chung: Theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì, HKD là loại hình kinh doanh được pháp luật công nhận, nhưng lại không có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Mô hình HKD chủ yếu dựa trên khai thác những lợi thế của gia đình và phần nhiều hoạt động trong lĩnh vực nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, do sự tồn tại của loại hình này trong suốt một thời gian dài, nên hoạt động kinh doanh vẫn luôn được duy trì và có những hộ phát triển mạnh mẽ đạt doanh thu lớn. Nhưng vẫn không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) vì một số yếu tố như:
Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức quản lý, HKD chỉ cần chủ hộ chịu trách nhiệm, thành viên HKD chỉ có ít người, mô hình vừa phải, gọn, chủ yếu dựa trên khai thác những lợi thế của gia đình và phần nhiều hoạt động trong lĩnh vực nhỏ, lẻ. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức quản lý của DN gồm nhiều người, nhiều bộ phận, ví như Công ty TNHH Một thành viên - mô hình rất đơn giản thì cũng phải có chủ sở hữu như chủ tịch công ty, giám đốc… và mỗi chức danh đều có quyền và nghĩa vụ riêng biệt, có những nội dung phải được thực hiện theo quy trình. Đặc biệt, HKD không nhất thiết phải có kế toán, nhưng DN bắt buộc phải có kế toán để kiểm soát vấn đề tài chính của DN. Nếu chuyển đổi thì đòi hỏi HKD phải có sự thay đổi lớn trong cách thức quản lý, quản trị và vận hành.
“Cần tiến hành các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức, cũng như lợi ích của việc chuyển đổi từ HKD thành doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước cần tiếp tục có những chính sách kích thích sự phát triển doanh nghiệp, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp để hộ kinh doanh có thể nhìn thấy và cảm thấy an tâm khi chuyển đổi để trở thành một phần của cộng đồng doanh nghiệp” - LS. Đặng Thành Trung: |
Thứ hai, về thuế, với DN, họ sẽ phải kê khai và nộp các khoản thuế trong đó có thuế giá trị gia tăng, trong khi HKD chỉ phải đóng thuế khoán hàng tháng, nếu chuyển đổi thì phải thay đổi chế độ kế toán chuẩn chỉnh, chuyển từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm về giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử.
Thứ ba, về chi phí hoạt động, với những yếu tố như trên, có thể thấy chi phí phải chi trả cho hoạt động của DN sẽ cao hơn so với hoạt động của HKD. Nếu chuyển đổi thì bắt buộc phải thuê nhân lực chuyên môn, xây dựng hệ thống quản trị, thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính như bảo hiểm, lao động, từ đó làm gia tăng chi phí…
PV: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Theo dự thảo luật, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 2 năm liên tục cho HKD chuyển thành DN kể từ khi có thu nhập chịu thuế... Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?
LS. Đặng Thành Chung: Để khuyến khích chuyển đổi HKD thành DN, thì phải cho họ thấy những lợi ích của việc chuyển đổi và những quan ngại, lo lắng của họ khi chuyển đổi sẽ được giải quyết bằng các chính sách ưu đãi của nhà nước, đặc biệt là ưu đãi về kinh tế. Việc thể hiện chính sách ưu đãi thuế, cụ thể là đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục cho HKD chuyển thành DN kể từ khi có thu nhập chịu thuế là hợp lý, đánh trúng một phần tâm lý và cũng là lý do quan trọng để thúc đẩy HKD chuyển đổi thành DN.
Ngoài ra, mốc thời gian 2 năm cũng là khoảng thời gian tương đối để DN sau khi chuyển đổi có thể hoạt động kinh doanh ổn định và đảm bảo chế độ kế toán, cũng như việc thu nộp thuế về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cũng cần có biện pháp để kiểm tra, xác định về điều kiện hưởng ưu đãi, về chuyển tiếp sau thời gian miễn thuế này để đảm bảo minh bạch, thống nhất, đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, tránh trường hợp cố tình kê khai thuế thấp hơn, kéo dài thời gian hưởng ưu đãi để “trốn” thuế.
PV: Theo ông, khi HKD chuyển đổi thành DN sẽ có lợi ích gì?
LS Đặng Thành Chung: Hoạt động của HKD chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế hơn so với DN như: chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa bàn khác; một số ngành nghề phải là DN; hạn chế huy động vốn ngân hàng…
Khi chuyển đổi sang DN, những hạn chế này sẽ được giải quyết và còn nhiều lợi ích khác nữa, trong đó, được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí: Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi từ HKD thành DN như miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện... Để được hưởng loạt hỗ trợ nêu trên, DN phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 1 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
Hai là, huy động vốn, DN dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn huy động vốn khác như vốn vay ngân hàng, vốn của các thành viên, vốn đầu tư nước ngoài…; hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ về đào tạo nhân lực, cơ hội tư vấn phát triển kinh doanh.
Ba là, cơ hội phát triển, DN có thể mở rộng quy mô hoạt động, xây dựng thương hiệu, gia tăng lợi thế để có thể tham gia vào thị trường lớn, thậm chí là cả thị trường quốc tế. Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh, tăng doanh thu.
PV: Ngoài chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, để khuyến khích HKD chuyển thành DN, theo ông cần có thêm giải pháp gì?
LS Đặng Thành Chung: Để khuyển khích chuyển đổi HKD lên DN, ngoài biện pháp thiết yếu là ưu đãi thuế, nhà nước cũng có thể xem xét một số giải pháp như: Xác định rõ đối tượng chuyển đổi, xây dựng lộ trình chuyển đổi. Hiện nay không phải HKD nào cũng tiệm cận mức độ kinh doanh phù hợp để trở thành DN, có những ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ chỉ phù hợp với HKD. Do đó, cần thực hiện từng bước, đưa ra các tiêu chí và thời hạn để chuyển đổi dần, bắt đầu từ những hộ có doanh số lớn, sử dụng nhiều lao động… Chính quyền cơ sở là cơ quan thích hợp để nắm bắt thông tin và tuyên truyền vận động, giải đáp thắc mắc chính sách để khuyến khích các đối tượng này chuyển đổi.
Cần tăng cường cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong quá trình chuyển đổi của các HKD sang hình thức DN. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chính sách đặc thù về thuế, chế độ tài chính kế toán, nhân lực, mô hình hoạt động… đối với các DN vừa được chuyển đổi.
Song song với đó, cần xây dựng các mô hình tư vấn, hướng dẫn về pháp lý, thủ tục bằng nhiều hình thức, phương thức đa dạng, dễ dàng tiếp cận và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh cho các HKD chuyển đổi.
PV: Xin cảm ơn ông!
ÔNG TÔ HOÀI NAM - PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM: Chính sách hấp dẫn song hành với đơn giản thủ tục Một trong những lý do quan trọng khiến hộ kinh doanh (HKD) cá thể chưa muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) là chính sách chưa đủ sức hấp dẫn. Các quy định chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh để khuyến khích các HKD cá thể thực hiện chuyển đổi thành DN. Bên cạnh đó, nhận thức của HKD cá thể về lợi ích của việc chuyển đổi thành DN cũng chưa đầy đủ, rõ ràng. Để khuyến khích các HKD cá thể chuyển đổi thành mô hình DN, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính về thành lập và vận hành DN, nhất là đối với các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Cần có các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng. |
ÔNG ĐẬU ANH TUẤN - TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM: Cần có cơ chế giảm thiểu rủi ro khi chuyển đổi Việc chuyển đổi HKD thành DN phải dựa trên nội lực tự thân của họ, phải tạo điều kiện cho họ thực sự mong muốn chuyển thành DN. Nên miễn hoặc giảm phí, lệ phí, thuế cho các HKD chuyển đổi thành DN, từ đó kích thích chuyển đổi và giảm bớt khó khăn ban đầu khi họ mới làm quen với mô hình DN. Đặc biệt, cần hỗ trợ thủ tục hành chính trong quá trình họ chuyển từ HKD thành DN. Bên cạnh việc đưa ra hành lang pháp lý phù hợp, cơ quan chức năng còn phải giúp người kinh doanh thông suốt tư tưởng thông qua các hình thức tuyên truyền để các HKD cá thể nhận thức rõ lợi ích của việc chuyển đổi thành DN. Nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình chuyển đổi HKD thành DN thông qua cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế, kiểm định, truy xuất nguồn gốc và giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật sau khi chuyển đổi... |