Sáng 15/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Chi tối thiểu 0,5% tổng chi ngân sách hàng năm cho xây dựng pháp luật

Dự thảo Nghị quyết được kết cấu thành 12 Điều với phạm vi điều chỉnh là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Hỗ trợ bằng 100% lương cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tại phiên họp.

Trong đó, về cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết có 3 nội dung cơ bản.

Cụ thể, ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi NSNN hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Nguồn ngân sách không chỉ để bảo đảm chi cho xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế mà còn bảo đảm chi cho những lĩnh vực, nội dung quan trọng, thiết yếu, cơ bản của công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.

Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật; gắn với quyền chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc về áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, về định mức chi vượt trội quy định tại Nghị quyết và theo quy định của Chính phủ (ít nhất gấp từ 3 lần đến gấp 5 lần so với định mức hiện tại).

Cùng với đó, dự thảo quy định Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ nguồn ngân sách 0,5%, bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước.

Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được NSNN cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vừng về xây dựng pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm minh bạch, công khai, gắn với thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách; bảo đảm bảo vệ bí mật nhà nước, quy định về quản lý hoạt động đối ngoại.

Hỗ trợ cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật

Về nhân lực, dự thảo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật. Chế độ này được xây dựng trên nguyên tắc kịp thời thể chế hóa đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW, ghi nhận những đối tượng đã rõ, theo hướng chặt chẽ hơn, có sự thống nhất cao giữa các cơ quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị quyết.

Hỗ trợ bằng 100% lương cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật
Đối với những người không trực tiếp, thường xuyên làm công tác xây dựng pháp luật nhưng có tham gia trực tiếp một nhiệm vụ, hoạt động cụ thể trong các công đoạn của xây dựng pháp luật thì được hỗ trợ thông qua chế độ trả thù lao hoặc thuê khoán theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, phải là “người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu, nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị ”.

Nhóm 1 là toàn bộ đại biếu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương. Nhóm 2 là lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên và nhóm này chỉ thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính bao quát hơn, phù hợp hơn với thực tiền về đối tượng thụ hưởng chế độ hỗ trợ hàng tháng, dự thảo Nghị quyết quy định Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phạm vi thẩm quyền và tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng quy định tại Nghị quyết có thể xác định đối tượng khác chưa được quy định trong Nghị quyết được thụ hưởng chế độ hỗ trợ.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định cụ thể các giải pháp để Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ; cho đến áp dụng cơ chế tự chủ lựa chọn cách thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật./.