Long Thành

Hội thảo thu hút khá đông các đại biểu tham dự.

Sáng 30/10, UBND tỉnh Đồng Nai và Báo Lao động đã tổ chức tại hội thảo về cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng

Theo quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt, tổng diện tích quy hoạch dự án khoảng 5.000 ha, nằm trên địa phận 6 xã của huyện Long Thành, bao gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 4.730 hộ với gần 15.000 nhân khẩu.

Qua khảo sát tất cả hộ dân đều đồng ý với chủ trương thực hiện dự án nhưng mong muốn khi thực hiện đền bù phải thỏa đáng, đẩy nhanh tiến độ triển khai vì đã chờ đợi hàng chục năm qua.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt quy hoạch 2 khu tái định cư gồm Khu Lộc An - Bình Sơn diện tích 282,35 ha, Khu tái định cư Bình Sơn diện tích 282,3 ha và Khu nghĩa trang Bình An 50 ha để bố trí, ổn định cuộc sống của các hộ dân thuộc diện giải tỏa khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.

Theo tính toán của tỉnh Đồng Nai, kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án và xây dựng hạ tầng khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn nếu theo quy định thì mất 4 đến 5 năm. Tuy nhiên do là dự án cấp bách nên nếu áp dụng phương thức chỉ định thầu thì chỉ cần thời gian khoảng 3 năm để tỉnh này hoàn thành giải phóng mặt bằng bước 1.

Theo ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư khoảng 5.390 tỷ đồng và cho rằng, cần một cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Đồng Nai sẽ xây dựng phương án bồi thường 1 lần và bố trí các khu tái định cư như ở trên.

Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, để có đất cho dự án, điều quan trọng là làm sao để người dân trong vùng dự án được bố trí tái định cư, ổn định việc làm, có cuộc sống đảm bảo. Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các trường dạy nghề, các nhà đầu tư trong vùng nhằm tìm hiểu nhu cầu lao động để hỗ trợ dạy nghề cho người dân.

Cần huy động xã hội hóa trong xác định giá đất

Tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, do đây là một dự án có tầm vóc và quy mô rất lớn nên về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, Chính phủ cần có nghị định riêng chứ không dừng lại ở một quyết định của Thủ tướng.

Cũng theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, đất đai phục vụ cho dự án có nhiều loại như đất lâm trường, nông nghiệp, đất ở…, nhưng cũng có một số lượng lớn đất đầu cơ nên kiến nghị Chính phủ phải có chính sách khác cho đất ở của người dân định cư lâu dài.

Đồng thời, theo lộ trình để xây dựng hết 5.000 ha đất sẽ phải kéo dài hàng chục năm qua hai giai đoạn, nên lộ trình thực thi và việc lấy đất phải được tính toán như thế nào để không lãng phí. Còn khi giải phóng mặt bằng thì cần hỗ trợ cho người dân tại địa phương chứ không phải hỗ trợ dân từ TP. Hồ Chí Minh ra Long Thành mua đất.

Trong khi đó, theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với một khối lượng lớn công việc như vậy, cần huy động cả xã hội hóa trong xác định giá đất do lo ngại các cơ quan của Đồng Nai sẽ không đảm đương được.

Còn về vấn đề thu hồi đất, ông Chính kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm cũng như cần hỗ trợ cho trường hợp sử dụng đất ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ./.

Bài và ảnh: Trí Dũng