Hoàn thiện quy trình thanh toán cho cá nhân qua tài khoản tại kho bạc
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Tạo mô hình khép kín trong chi trả ngân sách

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), tính đến ngày 31/1/2024, toàn hệ thống đã thực hiện, kiểm soát, thanh toán nguồn vốn chi thường xuyên năm 2023 trên 1.075,8 nghìn tỷ đồng, đạt 90,8% dự toán chi thường xuyên năm 2023 của ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Đối với nguồn vốn chi thường xuyên năm 2024, trong tháng 1/2024, toàn hệ thống KBNN đã kiểm soát, thanh toán trên 104,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán chi thường xuyên năm 2024.

Quy định trách nhiệm để đảm bảo thực hiện chặt chẽ

Trong giai đoạn triển khai thí điểm Quy trình thanh toán cho cá nhân qua tài khoản và trao đổi thông tin trên cổng trao đổi dữ liệu, KBNN tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với NHTM về thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản và trao đổi thông tin bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trên Cổng trao đổi dữ liệu giữa KBNN và NHTM. Thông qua đó, quy định cụ thể trách nhiệm giữa các bên tham gia, đảm bảo thực hiện chặt chẽ quy trình theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, KBNN cho biết, trong công tác kiểm soát và thanh toán cho cá nhân hiện nay còn có những hạn chế nhất định như: Trong kiểm soát chi thanh toán cho cá nhân từ NSNN, một số đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) có lượng nhân viên lớn, KBNN phải tính toán thủ công về mặt số học của bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng dễ dẫn đến sai sót, nhầm lẫn. Do đó việc kiểm soát, thanh toán mất nhiều thời gian và công sức cho công chức KBNN.

Hơn nữa, trong quá trình kiểm soát chi, thanh toán cho cá nhân từ NSNN hiện nay vẫn còn công đoạn thực hiện theo phương thức thủ công.

Cụ thể, sau khi kiểm soát chi, KBNN làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của đơn vị mở tại ngân hàng thương mại (NHTM) và thực hiện in phục hồi bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng, ký xác nhận, đóng dấu gửi đơn vị giao dịch để gửi đến NHTM để làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của đơn vị vào tài khoản của từng đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Khắc phục những hạn chế này cũng như để đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới chính phủ điện tử, ngày 12/12/2023, KBNN đã ban hành Quy trình kiểm soát, thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản và trao đổi thông tin trên cổng trao đổi dữ liệu (quy trình).

Hoàn thiện quy trình thanh toán cho cá nhân qua tài khoản tại kho bạc
Kho bạc Nhà nước đang hoàn thiện quy trình thanh toán cho cá nhân qua tài khoản. Ảnh minh họa

Theo KBNN, việc ban hành quy trình đã cụ thể hóa quy trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi cho cá nhân, tạo mô hình khép kín giữa đơn vị SDNS, KBNN và NHTM. Tham gia vào quy trình này, đơn vị SDNS truy cập hệ thống dịch vụ công trực tuyến tạo hồ sơ giao nhận gửi KBNN gồm: bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng theo mẫu quy định; chứng từ chuyển tiền; bảng kê tạm ứng/thanh toán theo mẫu.

Căn cứ theo hồ sơ đơn vị SDNS gửi trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, KBNN kiểm soát hồ sơ chứng từ theo quy định, đồng thời chuyển chứng từ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng. Trong nội dung của lệnh thanh toán, KBNN cung cấp một mã số cho NHTM phục vụ tra cứu thông tin bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng. NHTM - nơi đơn vị mở tài khoản thanh toán, lấy thông tin bảng thanh toán đã được KBNN kiểm soát để thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.

Thực hiện thí điểm, khẩn trương thực hiện diện rộng

KBNN đang thực hiện thí điểm quy trình tại 2 đơn vị KBNN là Hải Phòng và Vĩnh Phúc, trước khi triển khai diện rộng trong toàn hệ thống. Đây là 2 địa bàn được đánh giá có nhiều đơn vị SDNS chi thanh toán cá nhân qua ngân hàng Vietinbank, đặc biệt là KBNN Hải Phòng có nghiệp vụ phong phú, đảm bảo kiểm thử nhiều tình huống đa dạng.

KBNN Hải Phòng đã và đang thực hiện thí điểm quy trình với 287 đơn vị SDNS để thanh toán cho 13.089 đối tượng thụ hưởng qua hệ thống NHTM Vietinbank. Theo KBNN Hải Phòng, quy trình đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Cụ thể, khi tham gia vào quy trình, NHTM có thể chủ động lấy được bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng đã được KBNN kiểm soát, xác nhận nên đã giảm tối đa việc sai lệch thông tin.

Ngoài ra, KBNN cũng thuận lợi hơn trong việc kiểm soát các bảng biểu để thanh toán cho cá nhân. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN cũng được nâng cấp, bổ sung chức năng để hỗ trợ tự động kiểm tra định dạng số tiền, đối chiếu đảm bảo khớp đúng giữa số tiền chi tiết và tổng số trên từng bảng biểu đối với chứng từ chuyển tiền.

So với trước đây, quy trình đã quy định cụ thể cách xử lý đối với trường hợp sai một phần thông tin trên bảng thanh toán dẫn đến việc NHTM không thanh toán được cho đối tượng thụ hưởng... Tuy nhiên, theo KBNN Hải Phòng, đây là quy trình mới, trường hợp thanh toán thừa, thiếu hoặc nhầm lẫn của từng cá nhân chưa có nghiệp vụ ghi nhận, phản ánh hạch toán cụ thể rất dễ xảy ra tình huống mất an toàn trong thanh toán.

Do đó, để quy trình này sớm được triển khai trong toàn hệ thống, trong khâu hạch toán kế toán cần có sự phân tách tài khoản sai lầm trong thanh toán đối với các khoản thanh toán cá nhân.

Ngoài ra, theo KBNN Hải Phòng, để thực hiện nghiêm túc, KBNN cần xem xét nâng tầm quy trình và thỏa thuận với NHTM lên thành quy định ở mức văn bản quy phạm pháp luật. Theo KBNN Hải Phòng, đây là hành vi có mức độ phức tạp, tính chế tài cao và liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực…/.