Hơn 210.000 tỷ đồng được doanh nghiệp bung ra để mua lại trái phiếu trong năm 2022
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo nhóm ngành. Ảnh VMBA

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 30/12/2022, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 1.700 tỷ đồng trong tháng 12.

Trong năm 2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty CP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 65% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 66%.

Trong đó, nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành; nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Đáng chú ý, vào tháng 1/2023, có gần 17.500 tỷ đồng trái phiếu cần đáo hạn (bao gồm trái phiếu được phát hành riêng lẻ và trái phiếu công chúng). Áp lực lớn nhất là cũng là đỉnh của lượng trái phiếu doanh nghiệp cần đáo hạn trong năm 2023 rơi vào tháng 9/2023 với gần 42.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch phát hành sắp tới của doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacAbank) đã công bố kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 hơn 2.564 tỷ đồng trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023, kỳ hạn 7 và 8 năm. Ngoài ra còn có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hội đồng quản trị BID đã phê duyệt phương án chào bán ra công chúng đợt 2 với 6.790 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn từ 7 đến 10 năm.